Hướng đi nào cho chính sách tài khoá, tiền tệ năm 2024?

(BKTO) - Đó là câu hỏi được phóng viên Báo Kiểm toán đặt ra đối với ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. Theo ông Hùng, năm 2024, dư địa cho chính sách tiền tệ (CSTT) không còn nhiều, do đó, cần thực hiện tốt hơn chính sách tài khoá (CSTK) để hỗ trợ CSTT, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

13-anh-hung-2.jpg
Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam - ông Nguyễn Bá Hùng.

Thưa ông! Năm 2023 đã khép lại. Nhìn lại bức tranh kinh tế năm vừa qua, ông có cảm nhận như thế nào?

Năm 2023 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo các phân tích, đánh giá của ADB, khó khăn này đến từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài, trong đó, đáng kể là các yếu tố bên ngoài. Đối với một nền kinh tế chú trọng vào gia công xuất khẩu như Việt Nam, tuy thặng dư thương mại vẫn rất tích cực (cả năm 2023 là trên 28 tỷ USD), suy giảm xuất nhập khẩu gây ra sụt giảm của hoạt động gia công xuất khẩu, khiến nhiều người lao động bị mất hoặc giảm việc làm, giảm thu nhập và giảm chi tiêu. Điều này dẫn đến cầu nội địa suy yếu.

Như vậy, tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài đã khiến nền kinh tế Việt Nam năm 2023 gặp nhiều khó khăn và không đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra từ đầu năm.

Mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách vẫn vượt dự toán hơn 4%. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Việc thu ngân sách vượt dự toán có một vài yếu tố mang tính kỹ thuật. Yếu tố đầu tiên là có thể do dự toán tương đối cẩn trọng. Thứ hai, theo thông tin của Bộ Tài chính, các khoản tăng lớn nhất so với dự toán cũng là tăng từ xuất khẩu dầu và thu nội địa, trong khi thu từ xuất nhập khẩu giảm do tác động của suy giảm thương mại.

Ông có nhận định gì về CSTK trong năm 2023?

Năm 2023, chính sách tài khóa có những động thái tích cực, ví dụ, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% hay là hỗ trợ về thuế trước bạ để kích thích tiêu dùng. Năm qua, đặc biệt là nửa cuối năm, việc giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ so với các năm trước. Việc thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng sẽ kích cầu trong ngắn hạn, tạo ra nhu cầu thực hiện các dự án cho doanh nghiệp. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn, cầu nội địa sẽ gia tăng, tạo ra cầu tín dụng để nền kinh tế có thể tăng trưởng tốt hơn.

Về dài hạn, đối với Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian vừa qua, thu hút đầu tư nước ngoài tương đối thuận lợi. Nhu cầu nâng cao hiệu quả của phát triển hạ tầng để tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở trong và ngoài nước cũng trở nên cấp thiết, mang lại lợi ích cho nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đây là giải pháp mà Chính phủ cũng nên thúc đẩy hơn nữa. Mặc dù các biện pháp của chính sách tài khóa khá tích cực nhưng nếu việc thực hiện chính sách tài khóa tốt hơn nữa thì điều này sẽ góp phần kích thích tăng trưởng tốt hơn.

Thế còn CSTT và hoạt động ngân hàng trong năm vừa qua có những điểm nào đáng lưu ý, thưa ông?

Năm 2023, CSTT được điều hành phù hợp và linh hoạt. Điều này thể hiện qua diễn biến từ đầu năm, khi lạm phát tăng cao, lãi suất điều hành ở mức tương đối cao thì sự chủ động, tích cực trong điều hành CSTT của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giúp kiềm chế lạm phát. Thế nhưng đến đầu quý II/2023, kinh tế bắt đầu có dấu hiệu khó khăn, CSTT cũng rất chủ động trong việc điều chỉnh lãi suất và đến giữa năm, lãi suất đã giảm liên tục 4 lần đến mức hiện tại. Như vậy, có thể thấy, công tác điều hành CSTT, đặc biệt việc điều hành lãi suất rất linh hoạt và phù hợp, chuyển đổi trạng thái tương đối nhanh từ phòng, chống lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng, khi mức lạm phát được duy trì vừa phải.

Mặt khác, năm qua, tỷ giá cũng có nhiều biến động do các yếu tố khách quan. Chỉ số đồng USD trong năm biến động mạnh, đến giữa năm thì đồng USD cũng tăng xấp xỉ hoặc bằng cuối năm 2022, rồi tăng thêm khoảng 6-7%. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá rộng hơn, từ 3% lên 5%, cũng giúp cho việc điều hành linh hoạt hơn, khi các biến động của thị trường không vượt ra ngoài biên độ của NHNN đặt ra. Vì thế, mặc dù đồng Việt Nam ở thời kỳ cao nhất có thể mất giá gần 3% nhưng so với việc chỉ số đồng USD tăng tới 6-7% thì tôi đánh giá là tỷ giá được duy trì ổn định và không có biến động lớn. Có thể nói, chính sách tỷ giá của NHNN rất phù hợp và linh hoạt, đảm bảo thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, năm 2023, tăng trưởng tín dụng chưa đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm là 14-15%, điều đó cho thấy nền kinh tế gặp khó khăn. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, cầu tín dụng của nền kinh tế thấp, dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp.

Trọng tâm của năm 2024 là sẽ phải thực hiện tốt hơn nữa CSTK. Khi CSTK được thực hiện tốt hơn, nền kinh tế được kích thích hơn nữa thì sẽ tạo động lực để tăng trưởng tín dụng cũng như hoạt động dịch vụ ngân hàng sôi động hơn. Đó cũng sẽ là điều kiện để có thể tạo thêm dư địa cho CSTT phát huy hiệu quả tốt hơn.

Theo ông, năm 2024, NHNN cần điều hành CSTT theo hướng nào?

Năm 2024, điều quan trọng nhất là tiếp tục các mục tiêu chính sách của năm 2023. Theo đó, ưu tiên vẫn là duy trì các mục tiêu ổn định vĩ mô, ổn định tỷ giá, đồng thời chính sách tiền tệ trong phạm vi phù hợp có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế tòn cầu còn nhiều thách thức.

Tuy nhiên, hiện nay, lãi suất điều hành đã ở mức tương đối thấp, khoảng cách giữa lạm phát và lãi suất điều hành không cao. Lãi suất thực mà thấp quá cũng ảnh hưởng đến hệ thống tài chính tiền tệ bởi yếu tố này làm cho nhu cầu về tín dụng thay đổi. Như vậy, dư địa để giảm lãi suất, nới rộng CSTT hơn nữa không còn nhiều. Do vậy, việc điều hành CSTT cần phải phối hợp tích cực hơn với CSTK để phát huy hiệu quả kích cầu trong nước. Trọng tâm của năm 2024 là sẽ phải thực hiện tốt hơn nữa CSTK. Khi CSTK được thực hiện tốt hơn, nền kinh tế được kích thích hơn nữa thì điều này sẽ tạo động lực để tín dụng cũng như hoạt động ngân hàng sôi động hơn. Đó cũng sẽ là điều kiện để có thể tạo thêm dư địa cho CSTT phát huy hiệu quả tốt hơn.

Vậy CSTK cần được điều hành ra sao để đảm bảo hỗ trợ CSTT, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thưa ông?

Như tôi đã trình bày ở phần trước, hiện nay, đầu tư công còn nhiều dư địa và có thể nâng cao hiệu quả thực hiện, nếu chúng ta làm tốt thì điều này sẽ có lợi trong cả ngắn hạn và dài hạn. Thứ hai, việc giảm thuế như đã tiến hành trong hai năm vừa qua có thể tiếp tục thực hiện trong năm 2024, bởi đây là một biện pháp kích cầu dễ làm. Thứ ba, cần phải có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thiết thực hơn. Có thể thấy, những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 tác động đến bộ phận tham gia vào chuỗi gia công xuất khẩu khiến nhiều người lao động bị mất hoặc giảm việc làm, dẫn đến giảm thu nhập. Do đó, nhóm này cần được nhận hỗ trợ nhiều hơn hoặc được hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm khác. Đấy là các biện pháp tài khóa mà Việt Nam có thể tập trung hơn trong năm nay.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Hướng đi nào cho chính sách tài khoá, tiền tệ năm 2024?