Hướng đi nào cho nền kinh tế châu Âu

(BKTO) - Từng là lục địa thống trị kinh tế thế giới, nhưng châu Âu đang dần tụt lại phía sau so với các cường quốc lớn nhất thế giới và một số nước phát triển khác.

cong-nghiep-nguon-ibtimes.jpg
Châu Âu đang tụt hậu nhanh chóng về năng suất so với cường quốc lớn khác - Ảnh minh họa

Tụt hậu so với các nền kinh tế lớn khác

Nhìn lại gần một thế kỷ vừa qua, kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, năng suất lao động của châu Âu liên tục tăng. Vào những năm 1990, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bắt kịp với năng suất tại Mỹ. Nhưng đáng tiếc là hiện nay châu Âu lại đang tụt hậu nhanh chóng về năng suất so với cường quốc lớn nhất thế giới và một số nước phát triển khác.

Một so sánh khác minh chứng cho sự tụt hậu của EU: Đó là vào năm 2008, nền kinh tế EU lớn hơn Mỹ một chút, còn hiện nay nền kinh tế Mỹ lớn hơn một phần ba so với EU.

Sự thua kém không chỉ thể hiện trên khía cạnh số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các công ty công nghệ mới của châu Âu phát triển rất chậm trong nhiều năm gần đây và gần như lục địa này không có công ty công nghệ lớn toàn cầu nào. Chỉ có hai công ty châu Âu trong số 20 công ty công nghệ lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường là SAP của Đức - công ty sản xuất hệ thống thông tin kinh doanh và ASML - nhà chế tạo các thiết bị quang khắc dùng để sản xuất chất bán dẫn (chip) của Hà Lan.

Châu Âu dường như cũng đang giảm dần đều về thứ hạng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực khoa học và đổi mới. Dòng tiền giá rẻ nhờ chính sách lãi suất thấp do các ngân hàng trung ương tạo ra sau đợt khủng hoảng tài chính và sự hỗ trợ hào phóng của các chính phủ trong đại dịch COVID-19 đã dẫn đến việc hàng loạt công ty mới thành lập hoạt động kém hiệu quả và đang ngày càng trở nên "ốm yếu" hơn khi phải đối đầu với những khó khăn do giá năng lượng cao và lãi suất tăng.

Trong giai đoạn tiếp theo, dự báo EU tiếp tục tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc khi dự kiến GDP 2 quốc gia này tăng lần lượt 2,4% và 4,8% vào năm 2024. Và khoảng cách nhiều khả năng sẽ không được thu hẹp, khi Mỹ và Trung Quốc theo đuổi các chính sách công nghiệp rất tích cực mà không bị các tiêu chuẩn môi trường ràng buộc, đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ tiên tiến và được hưởng lợi từ năng lượng giá rẻ.

Trong báo cáo về thị trường nội địa được công bố vào ngày 17/4, cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta nhắc lại rằng GDP bình quân đầu người đã tăng 60% ở Mỹ và chỉ 30% ở châu Âu kể từ năm 1993. Châu Âu cần thực hiện "thay đổi triệt để" để duy trì khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ.

Bên cạnh đó, châu Âu đang phải đối mặt với một vấn đề lớn khác là Liên minh của họ đang suy yếu. "Châu Âu của chúng ta đang chết dần", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh tại Sorbonne vào ngày 25/4. Ngày nay, ở châu Âu, nhận định về một Liên minh đang suy yếu và có thể bị đẩy lùi vĩnh viễn xuống hạng hai đã được chia sẻ rộng rãi. Vào ngày 18/4, sau một cuộc họp tại Brussels, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Âu đã bảo vệ sự cần thiết phải có một "hiệp ước cạnh tranh" nhằm "thu hẹp khoảng cách về tăng trưởng, năng suất và đổi mới" giữa “Lục địa Già” và Bắc Mỹ hoặc châu Á.

Sự phân mảnh thị trường nội khối tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

eurozone.png
Thị trường chung châu Âu bị phân mảnh bởi quy định của mỗi quốc gia thành viên 

Theo phân tích của các nhà kinh tế, nguyên cho sự suy yếu của nền kinh tế châu Âu không phải hoàn toàn xuất phát từ những quy định có phần chặt chẽ về điều kiện kinh doanh của EU hay quy mô của thị trường. Về cơ bản, quy định về điều kiện kinh doanh ở Mỹ không khác nhiều so với ở châu Âu, nếu như không muốn nói là có một số quy định gần như giống nhau. Về thị trường, EU có thị trường chung, tổng dân số lớn hơn và do đó có nhiều khách hàng tiềm năng hơn Mỹ. Vậy lý do chính nằm ở đâu?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân lớn nhất chính là các quy định của EU và quốc gia thành viên đã tạo gánh nặng cho các công ty nội khối nhiều hơn so với các quy định tại Mỹ.  Chỉ có một thị trường duy nhất hoạt động trên tất cả các địa phương của Mỹ, trong khi thị trường chung châu Âu lại bị phân mảnh bởi quy định của mỗi quốc gia thành viên.

Điều này có nghĩa là châu Âu sẽ khó hoạt động tốt trong một số lĩnh vực, cho dù đó là viễn thông, năng lượng hay dược phẩm và vận tải hành khách, hàng hóa. Ngoài ra, EU còn tồn tại các chế độ thuế khác nhau và doanh nghiệp cần phải làm việc với nhiều cơ quan chức năng khác nhau trước khi có thể tiếp cận các thị trường trong phạm vi nội khối.

Quy định ở châu Âu ngăn cản chính các công ty tại lục địa này dễ dàng mở rộng quy mô. Nó gây ra tình trạng tốn kém chi phí và ngày càng gắn liền với những yêu cầu quan liêu hơn. Việc không thể hoạt động trong một thị trường chung duy nhất dẫn đến thực tế là các công ty đa quốc gia lớn không phát triển ở đây và thị trường bị phân mảnh nghiêm trọng. Đồng thời, điều này dẫn đến giá hàng hóa cao hơn và do đó chi phí cao hơn cho khách hàng.

Thêm nữa là việc tuyển dụng và sa thải nhân viên trở nên rất khó khăn ở một số nước thành viên EU. Có những nơi và trong một số ngành rất khó để có thể sa thải nhân viên và một số vị trí sẽ không bao giờ được công ty tuyển dụng hợp pháp. Đó là nguyên nhân khiến nhân viên mất đi động lực học tập suốt đời, khi trình độ chuyên môn không phải là lý do chính để tuyển dụng. Nó có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động có trình độ, từ đó ít công nghệ hiện đại được áp dụng và dẫn đến năng suất thấp hơn. Nhìn chung, điều này dẫn đến sự mâu thuẫn và thiếu động lực.

“Doanh nghiệp châu Âu cần lấy lại niềm tin” là nội dung chính trong một tuyên bố gần đây của Hiệp hội Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu. Tuyên bố nhấn mạnh cần thể hiện điều đó trong các tuyên bố chính trị. Không phải ngẫu nhiên mà có những phàn nàn rằng bản thân EU nói chung đang không có bất cứ kế hoạch nào hướng về phía trước, cũng như không có tầm nhìn lớn nào có thể đạt được. Tất cả những gì mà khối này đang thể hiện chỉ là những kế hoạch không thực tế hoặc bị trì hoãn có chủ ý.

Vậy EU cần phải làm gì? Một báo cáo cạnh tranh mới do cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi, đệ trình lên Ủy ban châu Âu (EC) gần đây đã đưa ra giải pháp giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của EU. Báo cáo nhận định cần phải tăng cường đầu tư vào khoa học, phát triển và đổi mới. Do tỷ lệ này ở châu Âu thấp hơn đáng kể so với ở Mỹ, nên các nước EU riêng lẻ và đặc biệt là EU nói chung sẽ cần phải tham gia đáng kể vào các hoạt động như vậy.

Những điều đó là chưa đủ. Trước hết, các nhà quản lý EU cần giảm bớt gánh nặng về yêu cầu hành chính cho các công ty và doanh nhân, cũng như đẩy nhanh việc cấp các loại giấy phép xây dựng và kinh doanh. Điều này không nhất thiết có nghĩa là phải có ít quy định hơn mà chúng phải được thực hiện hiệu quả hơn. Sau đó, cần phải hoàn thiện thị trường châu Âu thống nhất và tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh liền mạch giữa các quốc gia thành viên trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế càng nhiều càng tốt. Đây là giải pháp có thể khơi dậy sự lạc quan nhất định cho các doanh nghiệp và nếu nó được phản ánh qua việc giá cả giảm, thì hiệu quả đạt được sẽ lan tỏa trên các phần còn lại của nền kinh tế EU.

Tuy nhiên, tất cả các giải pháp trên mới chỉ dừng lại ở mức kế hoạch, châu Âu chắc chắn vẫn cần có chặng đường dài phải đi để thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế lớn. Trong đó trước mắt là sự thống nhất trong nội bộ, hiện tại, 27 quốc gia thành viên, với đầu tàu là Pháp và Đức, vẫn đang tồn tại nhiều bất đồng về cách để giải quyết bài toán khó tăng trưởng kinh tế này./.

Cùng chuyên mục
Hướng đi nào cho nền kinh tế châu Âu