Ông Renjith Varma - Giám đốc khu vực ACCA Đông Nam Á lục địa - phát biểu tại Sự kiện. Ảnh: ACCA |
Đại dịch Covid-19 có xu hướng gây rủi ro đáng kể cho các hành vi vi phạm đạo đức ở mức độ cao hơn, tạo rào cản đối với DN để theo đuổi kinh doanh liêm chính và duy trì sự thành công trong dài hạn. Việt Nam cần các DN phát triển bền vững, mang lại lợi nhuận tài chính, tạo ra giá trị tích cực cho xã hội, đồng thời nâng cao tính liêm chính trong kinh doanh.
Trong đó, các chuyên gia tài chính, kế toán, kiểm toán viên có vai trò đặc biệt quan trọng, đóng vai trò tạo ra những thay đổi thực sự, có khả năng tác động tới sự phát triển bền vững của DN.
Nhằm nâng tầm giá trị và thúc đẩy tính liêm chính trong kinh doanh, tại sự kiện này, VACPA và ACCA đã công bố Sổ tay Chuẩn mực đạo đức quốc tế dành cho kế toán viên, kiểm toán viên, chuyên gia tài chính do hai đơn vị phối hợp soạn thảo, biên dịch; đồng thời, chính thức giới thiệu Cẩm nang hướng dẫn áp dụng Kiểm soát nội bộ và Bộ Quy tắc ứng xử dành cho DN.
Cũng tại Sự kiện, bộ phim “Giả mạo tái chế” (Recycling Sham) trong khuôn khổ Liên hoan phim Đạo đức toàn cầu ACCA 2021 đã được trình chiếu. Bộ phim là một phần của “Vụn vỡ” (Broken) - chuỗi phim tài liệu điều tra mới nhằm xác định và phân tích các hệ thống làm cho các sản phẩm tiêu dùng dễ bị gian lận, tham nhũng và cẩu thả - gây tác động tiêu cực đến sức khỏe và an toàn cộng đồng. Loạt phim này vạch trần sự thật phía sau giá tiêu dùng của ngành công nghiệp thuốc lá điện tử, mỹ phẩm giả, đồ nhựa và đồ nội thất nhanh.
Ông Renjith Varma - Giám đốc khu vực ACCA Đông Nam Á lục địa - chia sẻ: Tại ACCA, đạo đức luôn là trung tâm của mọi vấn đề. Khi nhìn về tương lai, đạo đức có vai trò chủ chốt đảm bảo cho việc ACCA sẽ hỗ trợ các DN phát triển bền vững. Trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghệ hiện nay, chúng ta có thể thấy rằng các giá trị xã hội thay đổi nhanh hơn bao giờ hết bởi mong muốn của người dân về một thế giới công bằng và liêm chính hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký VCCI - nhấn mạnh: Đạo đức nghề nghiệp yêu cầu bản thân mỗi kế toán viên, kiểm toán viên phải hiểu rõ chuẩn mực nghề nghiệp và chuẩn mực chuyên môn. Trong đó, tính chính trực, tính khách quan, năng lực chuyên môn, tính thận trọng và tính bảo mật thông tin là hành trang không thể thiếu trong hoạt động nghề nghiệp.
Ông Phạm Sỹ Danh - Chủ tịch VACPA - cho biết thêm: Sổ tay Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp quốc tế cho kế toán viên chuyên nghiệp (bao gồm các chuẩn mực quốc tế về tính độc lập) nhằm giúp kiểm toán viên, kế toán viên hiểu rõ hơn quy định, thông lệ quốc tế về các nguyên tắc đạo đức cơ bản cũng như các biện pháp bảo vệ cần thiết nhằm loại trừ hoặc làm giảm các nguy cơ ảnh hưởng đến việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức cơ bản này.
Nhân sự kiện này, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam - đã công bố Mạng lưới DN kinh doanh liêm chính (VBIN) vừa mới được thành lập với sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và cộng đồng DN. VBIN là sáng kiến hành động tập thể đầu tiên do khu vực tư nhân lãnh đạo nhằm thúc đẩy văn hóa kinh doanh liêm chính và tuân thủ để phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam. Hiện tại, 15 tổ chức, bao gồm các cơ quan Chính phủ và DN cùng 5 chuyên gia đã tham gia Tổ cố vấn của VBIN./.
THÙY LÊ