Hút nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số

(BKTO) - Thời gian qua, công tác giảm nghèo cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Để công tác này tiếp tục chuyển biến, các ngành chức năng, địa phương cần tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn giảm nghèo.




Vùng DTTS cần được tiếp tục đầu tư để thoát nghèo

Huy động các nguồn vốnhỗ trợ giảm nghèo

Hiện nay, vùng DTTS chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 DTTS với gần 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Tuy nhiên, đây lại là vùng có trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn.

Từ thực tế này, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng chăm lo, hỗ trợ phát triển khu vực khó khăn bằng nhiều chính sách, nguồn vốn đầu tư thiết thực. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách được đầu tư thông qua các chương trình về giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội... một nguồn vốn không nhỏ được huy động từ các tổ chức quốc tế thông qua Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS”.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc (cơ quan quản lý các chương trình, đề án hỗ trợ giảm nghèo vùng DTTS giai đoạn 2014-2018), Đề án đã huy động được hơn 63.000 tỷ đồng từ nước ngoài và nguồn vốn đối ứng với gần 10.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo. Từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, gần 200 dự án giảm nghèo và an sinh xã hội được triển khai trong vùng DTTS, 252 dự án về giáo dục, đào tạo dạy nghề và giải quyết việc làm cho người DTTS được thực hiện, góp phần cải thiện sinh kế và tăng thu nhập một cách bền vững cho hộ nghèo và DTTS...

Theo ông Võ Văn Bảy - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Ủy ban Dân tộc), phần lớn nguồn vốn từ NSNN được chi cho hạ tầng, giao thông, trong khi nguồn vốn nước ngoài chú trọng vào công tác giáo dục, y tế, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS. Do điều kiện vùng DTTS rất khó khăn nên nhu cầu vốn đầu tư vào đây rất lớn.

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS mới chỉ mang tính chất từ thiện, manh mún. Bởi vậy, cần phải đẩy mạnh công tác này một cách có bài bản như thành lập các quỹ do các tổ chức chính trị xã hội quản lý để huy động nguồn lực, đồng thời tạo sự minh bạch trong cơ chế chi tiêu nguồn vốn. Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục có chính sách thu hút DN tham gia đầu tư vào địa bàn DTTS...

Tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Trong bối cảnh thu hút nguồn vốn dành cho giảm nghèo vùng DTTS gặp nhiều khó khăn, nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan quản lý, sử dụng nguồn vốn cần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn giảm nghèo, tạo lòng tin với xã hội, các tổ chức tài trợ; nâng cao vai trò giám sát đối với việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này.

Tại Hội nghị Triển khai chương trình phối hợp công tác năm 2019 giữa Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Ủy ban Dân tộc diễn ra ngày 12/3, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống MTTQ các cấp năm nay là thực hiện giám sát chính sách giảm nghèo vùng DTTS. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo vùng DTTS đảm bảo hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lặp.

Theo ông Vũ Dương Châu - Trưởng ban Dân tộc, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, thực tiễn giám sát công tác quản lý, sử dụng vốn để giảm nghèo tại các địa phương thời gian qua đã cho thấy những bất cập, như: việc sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích; tình trạng đầu tư dở dang, gây lãng phí... Những bất cập này cần sớm được khắc phục trong quá trình triển khai các nguồn vốn những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cần có sự phân cấp, phân quyền hơn nữa để thực hiện công tác giảm nghèo theo hướng T.Ư chỉ xây dựng cơ chế, chính sách, cấp vốn và hậu kiểm, địa phương căn cứ điều kiện cụ thể bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai...

Chia sẻ với Báo Kiểm toán, bà Dương Thị Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập - lưu ý, để công tác giảm nghèo tại vùng DTTS đạt kết quả tốt, cũng như thu hút các tổ chức tài trợ, các địa phương cần phải nghiêm túc chấn chỉnh những bất cập trong quản lý, sử dụng nguồn vốn. Bởi, các tổ chức quốc tế luôn đề cao tính minh bạch, hiệu quả sử dụng. Ngoài sự giám sát của các cơ quan nhà nước, các tổ chức cũng tiến hành kiểm toán độc lập việc sử dụng nguồn vốn. “Việc sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn vốn chính là sự thu hút tốt nhất các tổ chức tham gia vào công tác giảm nghèo” - bà Anh nói.

Nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho công tác giảm nghèo tại vùng DTTS, cuối năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS giai đoạn 2012-2018”. Đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá việc thực hiện chính sách giảm nghèo, việc sử dụng nguồn vốn giảm nghèo cũng như tác động của chính sách này đến kinh tế - xã hội vùng DTTS... Dự kiến, kết quả giám sát sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua và báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (diễn ra vào tháng 10/2019).

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 14-3-2019
Cùng chuyên mục
Hút nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số