Tăng cường quản lý lao động nước ngoài: Phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định xã hội

(BKTO) - Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư và người lao động (NLĐ) nước ngoài. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp cận trình độ, tay nghề của lao động đến từ các nước có nền sản xuất tiên tiến, nhưng đồng thời đặt ra thách thức cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý và sử dụng lao động nước ngoài có hiệu quả, phục vụ cho phát triển kinh tế gắn với ổn định xã hội.



Tính hai mặt của vấn đềlao động nước ngoài

Với nhiều chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, thời gian qua, đã có nhiều DN nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, số lượng NLĐ nước ngoài đến Việt Nam làm việc ngày càng tăng. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy, hiện cả nước có trên 80.000 NLĐ nước ngoài đang làm việc. Dự báo, số lượng NLĐ nước ngoài đến Việt Nam làm việc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự tham gia của NLĐ nước ngoài có trình độ và kinh nghiệm đã đáp ứng sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là những lĩnh vực mới, đồng thời tạo ra sức ép cạnh tranh, buộc lao động trong nước phải đổi mới, nâng cao trình độ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, sự có mặt của NLĐ nước ngoài đang để lại những hệ lụy xấu ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của nước ta.

Chuyên gia Lê Đình Quảng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, một hệ lụy xấu là việc lao động không xin giấy phép, không gia hạn giấy phép gây khó khăn cho công tác quản lý an ninh, trật tự. Chưa kể, nhiều lao động nước ngoài làm việc không đúng trình độ được cấp phép, tức là làm những công việc giản đơn dành cho lao động chưa qua đào tạo, gây sức ép tiêu cực đến vấn đề việc làm cho lao động trong nước.

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Phó Giám đốc Oxfarm tại Việt Nam - cũng đưa ra cảnh báo: Thu nhập của NLĐ nước ngoài tại Việt Nam phần lớn được chuyển về nước và ít được tiêu dùng, đóng góp tại Việt Nam. Điều này sẽ làm giảm tổng thu nhập quốc gia, phần nào gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế.

Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý lao động nước ngoài chưa chặt chẽ, kịp thời và đồng bộ giữa ngành LĐ-TB&XH, kế hoạch và đầu tư, công an; công tác thanh tra, kiểm tra các DN, tổ chức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức; ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và NLĐ nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng còn thấp...

Tăng cường quản lý lao động nước ngoài

Theo nhận định của các chuyên gia, dịch chuyển lao động giữa các quốc gia là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển và hội nhập. Để tạo điều kiện phát triển lành mạnh thị trường lao động và đảm bảo an ninh việc làm trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trong đó, cần quy định chặt chẽ hơn quy trình cấp phép lao động, giảm bớt hiện tượng lao động lách luật, làm việc tại Việt Nam không đúng nội dung đã được cấp phép; rà soát lại quy định về chứng minh trình độ tay nghề của lao động nước ngoài...

Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Lê Quang Trung, xác định yêu cầu bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản quản lý liên quan đến đối tượng lao động này. Mới đây nhất là Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định ra đời vừa nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời gắn trách nhiệm cùng tham gia xây dựng hệ thống an sinh xã hội của NLĐ tại quốc gia làm việc, cũng như giúp cho công tác quản lý lao động được thuận tiện hơn. Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo các sở LĐ-TB&XH tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động Việt Nam để DN và NLĐ nước ngoài hiểu và thực hiện theo đúng quy định; tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin liên quan đến NLĐ nước ngoài tại Việt Nam giữa các cơ quan có liên quan; các địa phương không vì thu hút đầu tư mà nới lỏng quản lý lao động nước ngoài; tăng cường phối hợp kiểm tra, thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật đối với lao động nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là lao động làm việc trong các ngành nghề được xã hội quan tâm như: y tế, giáo dục và đào tạo...

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong nước có trình độ, từng bước thay thế vị trí công việc của lao động nước ngoài. Đây được coi là giải pháp lâu dài nhằm đảm bảo cho yêu cầu phát triển sản xuất, ổn định chính trị - xã hội của đất nước.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 11 ra ngày 14-3-2019
Cùng chuyên mục
  • Giao lưu nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2019, sáng ngày 17/3, tại Hà Nội, Liên chi hội Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn "Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ" và giao lưu: Nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo.
  • Các trường được chủ động mở rộng ngành tuyển thẳng
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019. Điểm mới năm nay, đó là các trường có thể chủ động mở rộng ngành tuyển thẳng theo yêu cầu riêng.
  • Tọa đàm “Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với báo chí cách mạng Việt Nam”
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chiều 15-3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với báo chí Cách mạng Việt Nam” với sự tham dự của đông đảo các thế hệ làm báo.
  • Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Từ ngày 12-14/3, tại tỉnh Lâm Đồng, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 và tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông khu vực phía Nam.
  • Chung tay góp phần rút ngắn khoảng cách sắc tộc
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Mới đây, tổ thức từ thiện hàng đầu Vương quốc Anh INvolve đã đưa ra lời kêu gọi các DN cần công bố báo cáo khoảng cách tiền lương giữa nhân viên thuộc các chủng tộc khác nhau. INvolve cho rằng, việc công bố báo cáo này nên là một yêu cầu bắt buộc đối với các DN nhằm chống lại sự phân biệt chủng tộc trong xã hội.
Tăng cường quản lý lao động nước ngoài: Phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định xã hội