Cộng đồng kiều bào đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước
Theo Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng hơn 6 triệu người Việt sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Vị thế, uy tín của cộng đồng người Việt Nam trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao; cộng đồng đang có thay đổi tích cực về chất, nhất là về tiềm lực kinh tế và nền tảng tri thức. Với tiềm lực về kinh tế và có tri thức cao, ngày càng có nhiều kiều bào hướng về quê hương, mong muốn góp sức để xây dựng đất nước.
Theo đó, các doanh nhân kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh đã thể hiện sự dẫn dắt trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, cũng như góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề… đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chia sẻ thêm về đóng góp của kiều bào trong lĩnh vực đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tính đến hết tháng 7/2024, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 421 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,722 tỷ USD. Theo đó, các dự án đầu tư của kiều bào hoạt động khá hiệu quả, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của các địa phương và đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Đảng, Nhà nước ta luôn xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tôi mong rằng hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài sẽ muôn người như một, cùng một niềm tin, ý chí, nỗ lực hướng tới thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Ngoài hoạt động đầu tư trực tiếp, đầu tư của kiều bào còn thể hiện thông qua các hình thức gián tiếp khác như nguồn kiều hối gửi về nước. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong 30 năm qua (1993-2023) đạt hơn 200 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong cùng giai đoạn.
Bên cạnh những đóng góp trực tiếp trên, kiều bào ta ở nước ngoài còn có nhiều đóng góp trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc kết nối, giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam; kết nối nhà đầu tư nước ngoài với các đối tác trong nước. Đồng thời, góp phần quảng bá, xúc tiến, tăng uy tín, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế…
Những kết quả tích cực kể trên có được, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nhờ một số điều kiện thuận lợi như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển lớn mạnh, có tiềm lực về nhiều mặt, nên có rất nhiều tiềm năng để đầu tư về nước. Cùng với đó, các kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, có mong muốn góp sức để xây dựng quê hương. Mặt khác, chính sách của Việt Nam ngày càng được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc kết nối, đi lại cho kiều bào (như chính sách miễn thị thực cho kiều bào về nước).
Đặc biệt, nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài có lợi thế hơn so với nhà đầu tư nước ngoài, do kiều bào có quyền được lựa chọn áp dụng điều kiện, thủ tục đầu tư như đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, khi lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước thì nhà đầu tư Việt kiều không phải đáp ứng các điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam (về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, điều kiện về đối tác Việt Nam tham gia hoạt động đầu tư…); các thủ tục đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước cũng đơn giản, thuận lợi hơn so với nhà đầu tư nước ngoài…
Cải thiện môi trường đầu tư để gia tăng thu hút dòng vốn của kiều bào
Theo các chuyên gia, hiện nay, toàn hệ thống chính trị đang tập trung dồn lực, “bứt tốc” nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, việc nâng cao chất lượng công tác thu hút nguồn lực kiều bào cần tiếp tục được chú trọng, thực hiện hiệu quả hơn nữa, bởi trên thực tế, bên cạnh những thuận lợi, kiều bào đầu tư về nước cũng vẫn gặp những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, theo ông Peter Hồng - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay, nhà đầu tư kiều bào còn gặp một số khó khăn về thủ tục quy trình giấy tờ, tính minh bạch về chi phí; việc thực hiện các thủ tục nghiệm thu dự án còn chậm làm tăng chi phí vốn của các nhà đầu tư. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, kết nối người Việt Nam ở nước ngoài cũng còn những hạn chế do thiếu nguồn lực, khiến nhiều kiều bào còn chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước…
Từ thực tế trên, nhiều kiều bào kiến nghị, để gia tăng thu hút kiều bào đầu tư về nước, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; chính sách về thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đối với chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và chính sách thu hút đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với đó, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào đầu tư về nước…
Liên quan đến vấn đề trên, tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 mới diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh trọng tâm trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới, đó là, cần tiếp tục phát huy và tìm ra động lực mới gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương. Đồng thời, không ngừng đổi mới phương thức hỗ trợ và vận động kiều bào đóng góp xây dựng đất nước; phát huy tiềm năng, thế mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài để đóng góp cho quê hương, góp phần đưa đất nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong thế giới ngày nay./.