Kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.

1(2).jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp.

Sớm vận hành các công trình, dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới

Về nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới. Trong đó, tập trung rà soát, ưu tiên các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, các gói tín dụng, đất đai cũng như các chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các dự án phù hợp với quy mô và tín hiệu thị trường.

Khơi thông thị trường trong nước, có chính sách khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mà sản xuất trong nước có thế mạnh, còn năng lực sản xuất và thị trường trong nước có nhu cầu.

Rà soát và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Triển khai các giải pháp kết nối vùng nhằm giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa các vùng; hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư về các vùng có lợi thế cạnh tranh về các yếu tố như mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn lao động dồi dào và giá nhân công rẻ để giảm chi phí sản xuất.

Các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), công nghệ blockchain để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.

Hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt

Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương. Trong đó, Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.

Tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi vùng và toàn quốc, phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng trong nước.

Khuyến khích các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước. Phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá Việt, sản phẩm địa phương thông qua các mô hình gian hàng Việt, sản phẩm Việt trên thương mại điện tử. Tổ chức các hoạt động thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử, các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực, thị trường nhập khẩu lớn.

Tổ chức các chương trình, sự kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, phát triển các mô hình mới trong mua bán hàng hóa trên môi trường trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp Việt kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước.

Tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp lớn toàn cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các hàng rào kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Rà soát, xử lý các tồn đọng ở các dự án sản xuất các mặt hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến có vai trò quan trọng; kịp thời tháo gỡ khó khăn để các dự án này sớm đi vào hoạt động, góp phần tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm.

Thúc đẩy thu hút đầu tư các dự án sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu, tăng năng lực sản xuất và tạo thêm việc làm, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên, nhiên vật liệu cơ bản của nước ngoài.

Đẩy nhanh thủ tục giải ngân kinh phí triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại

Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục giải ngân kinh phí triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại của các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam

Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất chính sách thuế đối với các dự án thu hút đầu tư sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.

Tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá linh hoạt theo thị trường nhằm ổn định thị trường ngoại tệ… góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức tín dụng bảo đảm các chính sách của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời, đúng đối tượng.

Chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi như: Chương trình gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; mở rộng Chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Ngoài ra, Chỉ thị còn nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương./.

Cùng chuyên mục
Kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước