Huy động nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng xanh

(BKTO) - Là quốc gia chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, Chính phủ luôn xác định tăng trưởng xanh là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu đó cần có nguồn lực tài chính rất lớn, do đó, việc đề ra những giải pháp để tăng cường huy động nguồn lực tài chính từ các kênh khác nhau một cách hiệu quả đang là bài toán được đặt ra hiện nay.

12.jpg
Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho tăng trưởng xanh. Ảnh minh họa

Nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh còn hạn chế

Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã xác định tăng trưởng xanh là con đường phát triển bền vững và đã nỗ lực thực hiện mục tiêu đó với quyết tâm chính trị cao nhất. Theo đó, nhiều định hướng, chiến lược về tăng trưởng xanh đã được Chính phủ ban hành và gần đây nhất, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Trong đó, Chiến lược đã xác định rõ tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi cần có nguồn vốn rất lớn và đây cũng là một trong những thách thức chủ yếu đối với Việt Nam hiện nay.

Bình luận về vấn đề trên, PGS,TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện mục tiêu này vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng 60 tỷ USD để thực hiện Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2021. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có thể đáp ứng được khoảng 26 tỷ USD, số còn lại phải huy động từ khu vực tư nhân.

Tại Báo cáo điểm lại Kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 8/2023, Ngân hàng Thế giới ước tính tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm của Việt Nam để xử lý những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm.

Bên cạnh nguồn vốn hạn hẹp từ ngân sách nhà nước, theo TS. Nguyễn Thanh Hải - Chuyên gia kinh tế, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam, đối với nguồn cung vốn từ các ngân hàng thương mại, tính đến cuối tháng 6/2023, tổng dư nợ tín dụng xanh toàn hệ thống đạt 528.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với mức khoảng 180.000 tỷ đồng vào năm 2017. Mặc dù dư nợ tín dụng xanh có sự tăng trưởng qua các năm, tuy nhiên, quy mô tín dụng xanh vẫn còn nhỏ so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (hiện mới chiếm khoảng 4,2%). Cùng với đó, các khoản vay tín dụng xanh mới chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; trong khi đó, nhiều lĩnh vực quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như: Quản lý chất thải, giao thông, xây dựng bền vững… còn rất hạn chế.

Đối với lĩnh vực trái phiếu xanh, quy mô lại đang giảm mạnh. Năm 2021, quy mô phát hành trái phiếu xanh đạt 37.000 tỷ đồng, nhưng đến năm 2023 chỉ còn khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. “Những con số trên cho thấy nguồn cung tài chính xanh của Việt Nam còn rất hạn chế, trong khi Việt Nam còn nhiều dư địa, tiềm năng để đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính xanh, góp phần gia tăng nguồn vốn phục vụ quá trình “xanh hóa” nền kinh tế” - ông Hải nhấn mạnh.

Đa dạng các kênh huy động nguồn tài chính xanh

Theo các chuyên gia, tăng trưởng xanh nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; đồng thời hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết lịch sử mang tính bước ngoặt của Việt Nam về việc đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Do đó, việc đề ra những giải pháp hiệu quả để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh là một yêu cầu cấp thiết đang được đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Đưa khuyến nghị, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay, hệ thống pháp luật về tài chính xanh đã được quan tâm và xây dựng, tuy nhiên vẫn đang ở trong giai đoạn đầu, do đó cần tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ cơ chế, chính sách về tài chính xanh. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện đồng bộ các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục lĩnh vực, dự án được tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh để các ngân hàng có thể áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống. Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu, xem xét ban hành nhiều hơn các chính sách ưu đãi cụ thể dành cho các ngân hàng thực hiện việc cấp tín dụng xanh, để khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia mạnh mẽ. Đối với Bộ Tài chính, Bộ cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các công cụ chính sách tài chính ưu đãi, các chương trình để thúc đẩy thị trường vốn xanh phát triển.

Trong khi đó, PGS,TS. Bùi Quang Tuấn chia sẻ, một kênh huy động vốn nữa mà Chính phủ có thể tận dụng đó là thông qua sự hiện diện của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam để hướng nguồn vốn này vào các hoạt động giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, một giải pháp đã được Ngân hàng Thế giới chỉ ra đó là Việt Nam có thể cân nhắc việc thay các ưu đãi thuế hiện tại đối với doanh nghiệp FDI bằng các khoản tín dụng thuế dành cho các khoản đầu tư liên quan đến khí hậu hoặc chuyển giao công nghệ xanh do cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thực hiện. Những sáng kiến như vậy đã được thực hiện tương đối có hiệu quả ở các quốc gia mới nổi và quốc gia công nghiệp. Ngoài ra, hiện nay nguồn kiều hối cũng đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam, do đó, Chính phủ có thể thực hiện chiến dịch quảng bá để khuyến khích sử dụng nguồn này cho các dự án liên quan đến khí hậu./.

Cùng chuyên mục
Huy động nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng xanh