Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã nghe các báo cáo và thảo luận về kết kết quả thực hiện Nghị quyết liên tịch số 19 năm 2008 về ban hành Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; rà soát việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tháng 9/2021; xử lý các đề xuất, kiến nghị của MTTQ Việt Nam; quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết liên tịch thay thế Nghị quyết liên tịch số 19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ký kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo và những ý kiến hết sức tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn; cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết số 19, đồng thời các đề xuất ý tưởng phối hợp mới có tính khả thi cao.
Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 19, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tích cực phối hợp tốt, thực hiện đầy đủ, hiệu quả, thực chất các lĩnh vực công tác với tinh thần trách nhiệm cao của cả hai bên.
Thủ tướng khẳng định, mối quan hệ phối hợp công tác này là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, góp phần thực hiện cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và góp phần thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương 8 vừa diễn ra về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ trân trọng đề nghị MTTQ Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, cùng với Chính phủ chung sức, đồng lòng trong triển khai các nhiệm vụ của mỗi bên, phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp, khắc phục những hạn chế, những việc chưa làm được, tiếp tục triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tập trung vào 3 đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm, xác định phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Từ đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và ngoài nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, "dĩ bất biến ứng vạn biến" trong mọi hoàn cảnh, hóa giải thách thức, vượt qua khó khăn, đặc biệt là ứng phó, chuyển xoay tình thế trước những những diễn biến mới, chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19.
Về một số trọng tâm trong công tác phối hợp, Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ; tạo đồng thuận xã hội, sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc".
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Chính phủ trong nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân. Chính phủ cũng đã đề nghị MTTQ Việt Nam tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai có hiệu quả các đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị này.
Thứ ba, MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân, từng gia đình và từng người dân nỗ lực phấn đấu, hăng say lao động sản xuất, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; giữ vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân. Tiếp tục có nhiều hành động và việc làm cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân...
Thứ tư, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa với Chính phủ trong việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân.
Thứ năm, phát huy vai trò tích cực của MTTQ Việt Nam trong tham gia kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phối hợp đề xuất, xây dựng các cơ chế, phương thức phù hợp trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở ngay tại mỗi địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Thứ sáu, Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong đổi mới cách làm, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa được ký kết giữa 2 bên.
* Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (tháng 9/2021), đến nay, các cơ quan đã xử lý dứt điểm 10/19 kiến nghị và đang tiếp tục phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xử lý các kiến nghị còn lại.
Tại Hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có 15 kiến nghị, đề xuất mới. Trả lời về từng kiến nghị, Thủ tướng cơ bản đồng tình, giao các Bộ, cơ quan khẩn trương xử lý trong quý IV/2023, xây dựng đề án báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định./.