Mức dự báo vẫn thấp hơn các năm trước
IMF dự báo mức tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu là 3% cho năm 2023, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Tư, nhưng vẫn giữ nguyên triển vọng cho năm 2024 cũng ở mức 3% do các nền kinh tế phát triển giảm tốc. Các mức tăng trưởng này thấp hơn so với mức 6,3% đạt được năm 2021 và 3,5% vào năm 2022.
Dự báo tăng trưởng 2023-2024 hiện vẫn yếu hơn so với các tiêu chuẩn lịch sử và thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm 3,8% đạt được trong giai đoạn 2000-2019, phần lớn là do hoạt động sản xuất suy giảm ở các nền kinh tế tiên tiến và có thể duy trì ở mức này trong nhiều năm tới.
Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu 5 năm tới là gần 3%, có thể cao hơn. Đây là một sự suy giảm đáng kể so với tốc độ trước đại dịch COVID-19. Ông cho rằng điều này có liên quan đến tình trạng già hóa dân số toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia như Trung Quốc, Đức và Nhật Bản. Các công nghệ mới có thể tăng năng suất trong những năm tới, nhưng ngược lại, điều đó có thể gây xáo trộn thị trường lao động.
Trong báo cáo, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 lên 1,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự kiến đưa ra vào tháng Tư, nhờ lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng tốt trong quý 1 năm nay.
Theo IMF, thị trường lao động vẫn mạnh tại nền kinh tế lớn nhất thế giới góp phần tăng thu nhập thực tế và hoạt động mua bán phương tiện. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo giảm xuống 1% vào năm 2024, khi các khoản tiết kiệm được tích lũy trong thời đại dịch cạn kiệt và nền kinh tế mất động lực tăng trưởng.
Các nền kinh tế phát triển được dự báo tăng 1,5% vào năm 2023, tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng Tư, và tăng 1,4% vào năm 2024.
Với thông tin tích cực gần đây của kinh tế Anh, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này năm 2023 lên 0,4%, thay vì giảm 0,3% như trong báo cáo công bố trước đó.
Tuy nhiên, IMF nhận định kinh tế Đức năm nay sẽ giảm 0,3%, mức giảm mạnh hơn so với mức 0,1% được dự báo trước đó. Như vậy, Đức là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) năm nay có thể rơi vào suy thoái.
Các nước Khu vực sử dụng đồng euro dự kiến sẽ tăng trưởng 0,9% vào năm 2023 và 1,5% vào năm 2024, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Tư.
Tăng trưởng của Nhật Bản cũng được điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm, lên mức 1,4% vào năm 2023, trong khi triển vọng cho năm 2024 không đổi ở mức 1%.
Cũng như dự báo tháng Tư, đa phần trong mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm nay là đến thị các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển (EMDE) như Ấn Độ và Trung Quốc, khi hoạt động kinh tế ở các nền kinh tế phát triển chậm lại đáng kể trong năm nay và năm tới. Các nền kinh tế EMDE được dự báo tăng 4% trong năm nay và 4,1% trong năm tới.
Mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn được giữ ở mức 5,2% trong năm nay. Mức dự báo tăng trưởng của Ấn Độ năm nay được nâng 0,2 điểm phần trăm lên 6,1%.
Những thách thức lớn vẫn tồn tại
Theo IMF, thế giới hiện đang trong tình trạng tốt hơn, với quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới về việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu liên quan đến COVID-19, cũng như chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng hiện đã trở lại mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, tổ chức tài chính toàn cầu này cũng cảnh báo các yếu tố cản trở tăng trưởng trong năm 2022 vẫn tồn tại, lạm phát vẫn ở mức cao đang làm xói mòn sức mua của các hộ gia đình, lãi suất cao hơn đã làm tăng chi phí đi vay và điều kiện tiếp cận tín dụng chặt chẽ hơn do căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng bùng phát vào tháng Ba.
IMF cũng chỉ ra thương mại quốc tế và các chỉ số về nhu cầu cũng như sản lượng sản xuất đều cho thấy sự yếu kém hơn, trong khi các khoản tiết kiệm được tích lũy trong thời kỳ đại dịch đang giảm ở các nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là ở Mỹ.
Trong khi những lo ngại trước mắt về tình hình của ngành ngân hàng đã lắng xuống, thì sự hỗn loạn của ngành tài chính có thể tiếp diễn khi các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Tác động của lãi suất cao đặc biệt rõ ràng ở các nước nghèo, khiến chi phí đi vay cao hơn và hạn chế khả năng đầu tư ưu tiên. Do đó, thiệt hại về sản lượng so với dự báo trước đại dịch vẫn còn lớn, đặc biệt là đối với các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Tuy nhiên, IMF vẫn khuyến cáo các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tập trung vào việc chống lạm phát, tăng cường giám sát tài chính và giám sát rủi ro, đồng thời khuyên cáo các quốc gia nên xây dựng bộ đệm tài chính để chuẩn bị cho những cú sốc tiếp theo và đảm bảo hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất.
IMF lưu ý số liệu lạm phát cao có thể gây ra sự gia tăng đột ngột trong kỳ vọng của thị trường về lãi suất, điều có thể làm thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính, gây căng thẳng cho các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng - đặc biệt là những tổ chức liên quan đến bất động sản thương mại.
Nhà kinh tế trưởng Gourinchas cũng cảnh báo sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu do xung đột ở Ukraine và những căng thẳng địa chính trị khác vẫn là những rủi ro quan trọng, nhất là đối với các nền kinh tế đang phát triển. Điều này có thể dẫn đến nhiều hạn chế hơn đối với thương mại, đặc biệt là đối với các hàng hóa chiến lược như khoáng sản quan trọng, sự dịch chuyển vốn xuyên biên giới, công nghệ, người lao động và thanh toán quốc tế.
Trước đó, ngày 18/7, phát biểu trước các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng Giám đốc IMF - Kristalina Georgieva cũng nhận định hoạt động kinh tế toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, và triển vọng tăng trưởng trung hạn vẫn yếu, trong đó, sự chênh lệch về kinh tế giữa các quốc gia vẫn là mối lo ngại dai dẳng.