Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp để triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tối ưu, hiệu quả nguồn lực.
Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp về: Thực hiện quy định của pháp luật về Quy hoạch; hoàn thiện pháp luật và xây dựng cơ chế, chính sách; đảm bảo nguồn lực tài chính; về phát triển khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy; về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; về hợp tác quốc tế; đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.
Hoàn thiện pháp luật và xây dựng cơ chế, chính sách
Theo kế hoạch, sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt, thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu quy hoạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia/tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu thiết kế, điều kiện bảo đảm môi trường, đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các công trình xăng dầu, khí đốt (nếu có) để phù hợp với các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy.
Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến dự trữ quốc gia đối với xăng dầu, khí đốt; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ dự trữ quốc gia đối với xăng dầu, khí đốt.
Đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc vốn, thoái vốn các doanh nghiệp xăng dầu, dầu khí nhà nước
Về đảm bảo nguồn lực tài chính: Cân đối ngân sách nhà nước để đảm bảo mục tiêu về dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu, dầu thô, khí đốt phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
Đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển cơ sở hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.
Đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc vốn, thoái vốn các doanh nghiệp xăng dầu, dầu khí nhà nước; xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ; tập trung nguồn vốn cho các dự án có hiệu quả kinh tế cao.
Đa dạng hóa các hình thức vay vốn: ngân hàng, tín dụng xuất khẩu, vay ưu đãi của chính phủ, phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ
Về phát triển khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy:
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm làm chủ công nghệ đối với hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt, phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Triển khai mạnh mẽ và đồng bộ giải pháp chuyển đổi số, triển khai các hệ thống giám sát sử dụng internet vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và blockchain đối với công tác quản lý, khai thác hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt nhằm tận dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Kiểm soát chặt chẽ quá trình lưu thông xăng dầu, khí đốt từ khâu nhập hàng đến quá trình tồn chứa tại kho và xuất sản phẩm đi tiêu thụ. Thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường, biện pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước theo quy định. Thực hiện nghiêm ngặt quy định về phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất.
Thực hiện sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm. Bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất chuyên trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng tự nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hành lang bảo vệ nguồn nước, di sản thiên nhiên, di tích và di sản văn hóa đã được xếp hạng, phù hợp với phân vùng bảo vệ môi trường quốc gia, phù hợp với quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân triển khai Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch trong phạm vi chức năng, quyền hạn và theo thẩm quyền.
Tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và dự trữ, cung ứng xăng dầu thô, khí đốt
Bộ Công Thương tổ chức công bố quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 42 của Luật Quy hoạch; triển khai lưu trữ Hồ sơ quy hoạch theo quy định tại Điều 44 của Luật Quy hoạch; cung cấp dữ liệu quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Phối hợp với các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh và xây dựng phương án phát triển hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quy mô dưới 5.000 m3 đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, đảm bảo nguyên tắc đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đã quyết định chủ trương đầu tư nhưng đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành án (nếu có) thì chỉ được tiếp tục triển khai sau khi đã thực hiện đầy đủ theo kết luận của thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành án (nếu có) và được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các nội dung sửa đổi phù hợp (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và dự trữ, cung ứng xăng dầu thô, khí đốt.../.