Kế toán Việt Nam - Tương lai và triển vọng

(BKTO) - Sáng 25/5, tại trụ sở KTNN, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) và Văn phòng Đại diện Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Kế toán Việt Nam- Tương lai và triển vọng”.



                
   

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Trần Hà

   
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Vương Đình Huệ- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; TS. Hồ Đức Phớc- Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; bà Vũ Thị Mai- Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Kon Yin Tong- Chủ tịch Liên đoàn Kế toán Đông Nam Á (AFA); PGS.TS. Đặng Văn Thanh- Chủ tịch VAA; Ths. Đặng Thị Mai Trang- Trưởng đại diện ICAEW tại Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, DN và các trường đại học...
                
   

PGS.TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch VAA phát biểu khai mạc Hội thảo Ảnh: Trần Hà

   
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Đặng Văn Thanh- Chủ tịch VAA nhận định, kế toán và kiểm toán Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với mô hình phát triển theo chiều sâu, tăng trưởng bền vững, năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Đây cũng là giai đoạn hội nhập ngày càng sâu, toàn diện của kinh tế Việt Nam vào kinh tế khu vực và thế giới, là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ với sự bùng nổ của nền kinh tế số.

Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số đã tạo nên các phương thức giao dịch mới, những đơn vị đo lường mới cùng với hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử, các chương trình xử lý và truyền tải thông tin, kỹ năng xử lý và lưu trữ thông tin hiện đại…

Bối cảnh như vậy đã tác động rất mạnh mẽ và đặt ra những yêu cầu mới cho ngành nghề kế toán và kiểm toán Việt Nam. Hơn lúc nào hết, những người làm nghề kế toán, kiểm toán cần có những thảo luận chuyên sâu để nhận diện tác động và chủ động có giải pháp thay đổi căn bản phương thức tạo lập, xử lý thông tin, phương thức kiểm tra, đánh giá, tổng hợp và cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin kế toán, kiểm toán.
                
   

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo
   Ảnh: Trần Hà

   
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, mục tiêu phát triển đến năm 2030 của KTNN là trở thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND địa phương trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công.

Với mục tiêu như vậy, thời gian tới KTNN sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN, trong đó bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng kiểm toán, minh bạch hơn nữa trong hoạt động của KTNN; bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng, góp phần quan trọng thúc đẩy giải quyết có hiệu quả các vụ án, vụ việc cần phải có cơ quan chuyên môn làm giám định tư pháp độc lập trong hoạt động tố tụng.

Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh: để thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020- 2030, tầm nhìn đến 2035 đòi hỏi phải có sự tham gia trách nhiệm, tâm huyết của tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt ngành kiểm toán phải chuẩn bị tâm thế để đón nhận mọi thời cơ và đương đầu với thách thức trong từng thời kỳ với quyết tâm chính trị mạnh mẽ đối với sự phát triển của KTNN.

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, TS. Vũ Đức Chính- Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết, với việc thực hiện Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 480/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Thị trường dịch vụ kiểm toán, kế toán từng bước phát triển cả về chất lượng và quy mô, góp phần lành mạnh hóa, nâng cao tính công khai, minh bạch của các hoạt động kinh tế, tài chính của nền kinh tế - xã hội. Tính đến hết năm 2018, số lượng các DN kiểm toán là 184 với tổng số kiểm toán viên là 12.700 người, tăng 135% so với năm 2010; Số lượng các DN kế toán là 110 với tổng số kế toán viên hành nghề khoảng 300 người, tăng 135% so với năm 2010 (9.400 người). Doanh thu của các DN hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán năm 2018 là 6.500 tỷ đồng, tăng 240% so với năm 2010.

Vai trò và năng lực quản lý Nhà nước về kế toán, kiểm toán từng bước được nâng cao, công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán được đẩy mạnh; việc kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán được tăng cường. Hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán được đẩy mạnh, từ đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động quản lý nghề nghiệp, phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế - xã hội nói chung.

Tuy nhiên, kế toán và kiểm toán Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như: chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa được cập nhật theo thông lệ quốc tế làm hạn chế hiệu quả quản lý, giảm tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế. Cơ chế, nội dung, hình thức giám sát thực thi việc tuân thủ chuẩn mực kế toán, kiểm toán chưa đầy đủ và hiệu quả, nguồn lực phục vụ việc tổ chức hoạt động giám sát còn hạn chế.

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán và các cơ sở đào tạo đã được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật về chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tuy nhiên số lượng người có kinh nghiệm hành nghề thực tế còn rất hạn chế. Ngoài ra, ý thức của DN, đơn vị kế toán trong việc yêu cầu chất lượng của dịch vụ kế toán, kiểm toán chưa cao, từ đó ảnh hưởng đến việc lựa chọn công ty kiểm toán và cạnh tranh giá phí không lành mạnh ảnh hướng đến chất lượng dịch vụ...

Việt Nam đang bắt đầu quá trình thực hiện hàng loạt các cải cách để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập cao. Để tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc cải thiện chất lượng báo cáo tài chính DN và tiếp cận thông tin tài chính, Chính phủ cần phải đặt ra các mục tiêu và giải pháp quan trọng hỗ trợ việc cải cách, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Mặt khác, các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế sẽ làm gia tăng nhu cầu về báo cáo tài chính chất lượng cao. Đồng thời, sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam sẽ phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng và khả năng tham gia tích cực của Việt Nam trong quá trình thay đổi này. Ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam sẽ cần thể hiện vai trò của mình trong quá trình chuyển biến đó trước xu thế đồng nhất chuẩn mực kế toán, kiểm toán trên toàn cầu.
                
   

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chị đạo Hội thảo. Ảnh: Trần Hà

   
Phát biểu chị đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá: sau 25 năm đổi mới và cải cách, kế toán và kiểm toán đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế tài chính, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia.

Trong giai đoạn tới, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu, càng toàn diện, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hoạt động, xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế - tài chính, kế toán, kiểm toán sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn; các nền kinh tế sẽ rộng mở hơn, giao lưu và giao thoa nhiều hơn. Nhiều hiệp định, điều ước quốc tế sẽ được ký kết và triển khai sẽ cho phép không chỉ hàng hóa, dịch vụ mà cả dòng vốn đầu tư, các dòng tiền, nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán sẽ di chuyển tự do hơn.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cách mạng công nghệ số, nền kinh tế số đang trong thời kỳ khởi phát trên toàn thế giới, tác động rất mạnh vào các nền kinh tế nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, trong đó có kế toán và kiểm toán trên toàn thế giới. Sự xuất hiện của Điện toán đám mây, dữ liệu lớn Bigdata, Blockchain,... đã thay đổi căn bản và nâng cao hiệu quả trong quy trình xử lý, tổng hợp và truyền đạt và cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin kế toán, kiểm toán.

Tất cả những điều trên sẽ tác động rất mạnh đến toàn bộ công việc kế toán và kiểm toán, đòi hỏi phải có sự thay đổi rất căn bản quy trình và phương pháp kế toán, kiểm toán, đổi mới căn bản phương thức tạo lập, thu thập và xử lý thông tin, phương thức kiểm tra, đánh giá thông tin, cách thức truyền tải, tiếp nhận, khai thác thông tin và lưu trữ thông tin. Đây là một thách thức và cũng là thời cơ để Việt Nam đổi mới toàn bộ hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam. Ngành kế toán, kiểm toán cần đổi mới về thể chế, ban hành các quy định pháp lý, ban hành các chính sách kế toán cho đến đổi mới quy trình kế toán, kiểm toán, chuẩn bị nguồn nhân lực mới cho tương lai.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, năng lực đối với người làm kế toán, kiểm toán không chỉ dừng lại ở trình độ hiểu biết và năng lực chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có kỹ năng tổ chức, quản trị thông tin, quản trị mạng, kỹ năng phân tích đánh giá, dự báo, năng lực tư vấn, kỹ năng khai thác, vận hành mạng, sử dụng thông tin và bảo mật thông tin, đặc biệt là thông tin kinh tế, tài chính do kế toán cung cấp...

Trong tương lai, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán cần có sự đổi mới rất căn bản từ chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo. Các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cần đảm nhiệm tốt vai trò và trách nhiệm đào tạo đội ngũ kế toán, kiểm toán có chứng chỉ nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng nghề nghiệp, nâng cao và phát triển năng lực cho những người làm kế toán, kiểm toán theo thông lệ và chuẩn mực giáo dục nghề nghiệp hướng tới xây dựng ngành kế toán, kiểm toán của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đáp ứng những yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Kế toán Việt Nam - Tương lai và triển vọng