Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 23/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thư viện; thảo luận tại Tổ về các nội dung này.
Bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước phù hợp với thực tiễn Việt Nam
Nêu rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước,Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớccho biết việc này đáp ứng yêu cầu thể chế hóa và cụ thể hóa theo hướng đầy đủ, toàn diện, đúng nguyên tắc hoạt động kiểm toán nhà nước là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được Hiến pháp quy định; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, duy trì trật tự, kỷ cương, tính nghiêm minh của pháp luật; khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn hoạt động của kiểm toán nhà nước hiện nay.
Sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước cũng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các kiểm toán tối cao (INTOSAI), nhất là về kiểm toán thuế, kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, các chế tài trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước..., phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Qua 25 năm hoạt động, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm tra, đối chiếu các đơn vị liên quan, phát hiện nhiều sai phạm, truy thu cho ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, có những dự án sau kiểm toán chỉ bằng 39% giá trị ban đầu.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, hầu hết các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới đều kiểm tra các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong phạm vi hoạt động mà họ sử dụng tiền và tài sản của Nhà nước.
Báo cáo thẩm tradự án Luậtsửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước cho thấy, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, đồng thời đề nghị: xác định rõ địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong cơ chế phân công quyền lực nhà nước, từ đó xác định mô hình, sửa đổi toàn diện các điều khoản của Luật cho phù hợp với Hiến pháp; tiếp tục hoàn thiện sửa đổi theo hướng Kiểm toán Nhà nước là cơ quan “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật,” bổ sung các quy định cụ thể về công khai báo cáo kiểm toán và quy trình thực hiện các khuyến nghị của báo cáo kiểm toán.
Bổ sung chức năng giám định tư pháp của Kiểm toán Nhà nước là cần thiết
Một trong những nội dung nhiều đại biểu quan tâm là bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp đối với Kiểm toán Nhà nước. Đa số ý kiến thống nhất bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm khách quan cho kết quả giám định trong trường hợp nội dung giám định thuộc lĩnh vực quản lý của chính cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám định và trong một số trường hợp cần thiết khác.
Thảo luận tại Tổ, nhiều đại biểu cho rằng, cần đảm bảo cơ sở pháp lý cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ giám định theo yêu cầu của các cơ quan tố tụng, nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ việc giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết qua theo dõi, các hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong những năm qua rất hiệu quả, các đại biểu Quốc hội khi nhận được tài liệu từ Kiểm toán đã thu được nhiều thông tin. Kiểm toán Nhà nước đã phát huy vai trò, góp phần thu lại nguồn tài chính lớn cho ngân sách quốc gia.
Đại biểu tỉnh Nghệ An cho rằng hiện nay, Luật Kiểm toán nhà nước đang vướng phải nhiều khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ trong thực tế, nên việc sửa đổi cho phù hợp là hết sức cần thiết.
Đánh giá về việc bổ sung công việc và thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu ủng hộ bổ sung chức năng giám định tư pháp cho cơ quan kiểm toán. Đại biểu khẳng định hoạt động giám định tư pháp trong các vụ án lớn rất quan trọng, nhưng công việc này được triển khai chậm, gây ảnh hưởng cho quá trình điều tra, trong khi Kiểm toán Nhà nước hoàn toàn có đủ năng lực, nhân sự để làm giám định tư pháp trong điều kiện hiện nay.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định cơ quan này có một đội ngũ cán bộ đầy đủ năng lực, hoàn toàn có thể đảm nhận được nhiệm vụ giám định tư pháp.
Bên cạnh đó, những kiểm toán viên hiện nay của Kiểm toán Nhà nước có trình độ ở mọi lĩnh vực tài chính kế toán, quản lý dự án đầu tư, luật, xây dựng giao thông, thủy lợi, kiến trúc, công nghệ thông tin...
"Nếu như Quốc hội cho phép bổ sung chức năng giám định tư pháp, chúng tôi sẽ cử cán bộ đi học, đào tạo về giám định tư pháp để có chứng nhận, hay thẻ giám định viên, sau đó ban hành những quy định về giám định, lúc đó mới có thể đảm nhận nhiệm vụ giám định ở các vụ án...," ông Hồ Đức Phớc khẳng định.
Một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn với quy định tại Điều 68 về thực hiện kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán chưa rõ ràng và đề nghị vẫn tiếp tục giữ nguyên như quy định tại Điều 4 của Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành là đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Giải thích về việc này, đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) cho biết về nguyên tắc ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó phải được kiểm tra, không phân biệt đối tượng và hình thức quản lý, sử dụng; bao gồm toàn bộ các hoạt động từ quá trình hình thành nguồn đến các hoạt động quản lý, sử dụng để đánh giá về công tác quản lý, sử dụng đúng quy định pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả và chống thất thoát lãng phí các nguồn lực nhà nước. Do vậy, các hoạt động quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đều phải được kiểm tra.
Tại phiên họp Tổ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Luật Kiểm toán nhà nước có vai trò quan trọng để kiểm toán tài sản công và tài chính công. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Luật đã góp phần nâng cao năng lực giải trình của Chính phủ, các cơ quan, địa phương. Do vậy, việc thường xuyên nâng cao năng lực của Kiểm toán Nhà nước là trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể trong xã hội.
Trên cơ sở Tờ trình của Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội, Phó Thủ tướng cho rằng nên rà soát lại phạm vi sửa đổi khi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau rất lớn (có ý kiến của đại biểu Quốc hội đồng tình sửa nhưng có ý kiến cho rằng chưa cần thiết) để thống nhất cho đúng chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Luật Kiểm toán nhà nước mới ban hành được 3 năm, quy định bộ máy, tổ chức của Kiểm toán Nhà nước theo khu vực chứ không tổ chức theo từng địa phương khác nhau. Đây là mô hình tiên tiến, phù hợp với thông lệ của quốc tế, bảo đảm các quy định về tổ chức, sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.
Phó Thủ tướng đánh giá hệ thống Kiểm toán Nhà nước hiện nay ổn định nhưng quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với địa phương chưa “tương xứng,” mối quan hệ của Kiểm toán Nhà nước “nghiêng” về phía Quốc hội nhiều hơn. Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề dự án Luật nên quy định Trưởng Kiểm toán khu vực có quyền trình bày báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương ở phiên họp Hội đồng Nhân dânvà Hội đồng Nhân dânsử dụng kết quả kiểm toán này để đánh giá, phê duyệt phương án ngân sách, tài chính của địa phương.
“Tôi cho rằng đây là điều cần quy định trong dự án Luật, là cơ chế để giám sát, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ các bên liên quan,” Phó Thủ tướng bày tỏ và cho rằng nếu cơ quan soạn thảo và thẩm tra không kịp bổ sung nội dung này thì nên tính toán “dãn” tiến độ xây dựng dự thảo lại một vài năm để làm cho kỹ.
Theovietnamplus.vn