Kéo dài hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới để nâng cao năng lực các trường sư phạm

(BKTO) - Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến tổng kết Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) giữa Đoàn hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) diễn ra ngày 26/7.



                
   

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì cuộc họp trực tiếp phía Bộ GD&ĐT. Ảnh: Moet.gov.vn

   

Tính đến tháng 6/2021, Chương trình ETEP đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. Năng lực của các trường đại học sư phạm chủ chốt và các đơn vị quản lý giáo viên cấp Trung ương được tăng cường. Các hoạt động phát triển năng lực được tổ chức hiệu quả. Đã có 6 báo cáo tự đánh giá được hoàn thiện; 51 chương trình đào tạo đang được tiến hành nghiệm thu cấp Bộ.

Chương trình ETEP đang xây dựng kế hoạch bồi dưỡng bổ sung giáo viên cốt cán, hướng dẫn bồi dưỡng trong dịch bệnh Covid-19.
         
Chương trình ETEP có mục tiêu phát triển các trường đại học sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành tài liệu hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) bảo đảm kết nối với hệ thống TEMIS để các nhà cung cấp dịch vụ có căn cứ kỹ thuật triển khai xây dựng hệ thống LMS. Các Sở GD&ĐT đã lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cốt cán để hỗ trợ đồng nghiệp phát triển nghề nghiệp thường xuyên...
         
TEMIS là hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua thu thập thông tin và chiết xuất báo cáo về thực trạng bồi dưỡng thường xuyên và đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo chuẩn trong cả hệ thống giáo dục.

Về tiến độ thực hiện các mô đun bài theo tài liệu bồi dưỡng, tính đến 30/6/2021, có 23.051 giáo viên, cán bộ quản lý đã hoàn thành 2 mô đun và 431.671 giáo viên, cán bộ quản lý hoàn thành 3 mô đun. Theo kế hoạch, các đơn vị sẽ hoàn thành bồi dưỡng mô đun 4 trước ngày 15/9/2021; mô đun 5 và 9 trước ngày 31/10/2021.

Bộ GD&ĐT khuyến khích các tổ chức, các nhân phát triển hệ thống LMS theo hình thức xã hội hóa. Đã có 52 Sở GD&ĐT đã triển khai cho giáo viên, cán bộ quản lý học tập, bồi dưỡng thường xuyên trên hệ thống LMS; 01 Sở GD&ĐT chuẩn bị triển khai.

Việc tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ tuân thủ đúng quy trình bảo đảm chất lượng. 90% sở GD&ĐT đã hoàn thành công bố báo cáo TEMIS năm 2020. Năm 2021, hơn 40% Sở GD&ĐT đánh giá trên hệ thống TEMIS - đạt trên 70%...

Bà Stephanie Stallmeister - Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, nếu không kéo dài thời gian tới 30/6/2022 thì tác dụng của Chương trình không thể phát huy hết hiệu quả khi triển khai ở cơ sở. Mặt khác, báo cáo từ các Sở GD&ĐT cũng cho thấy đang thiếu đội ngũ cán bộ cốt cán và cần có sự bồi dưỡng thêm để bổ sung vào thực tế giáo dục các địa phương…

                
   

Ngân hàng Thế giới đề xuất kéo dài thời gian Chương trình nâng cao năng lực cho các trường sư phạm, chođội ngũ giáo viên. Ảnh: N.LỘC

   

Trao đổi tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độnhấn mạnh, ETEP là Chương trình có vai trò đặc biệt quan trọng với ngành giáo dục, nhất là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Chương trình nhằm nâng cao năng lực các trường sư phạm và cũng là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy. Vì vậy, trong thời gian Chương trình còn hiệu lực, đề nghị các đơn vị tích cực triển khai và quan trọng hơn cả phải hướng tới hiệu quả bền vững sau này...” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý.

NGUYỄN LỘC

Cùng chuyên mục
Kéo dài hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới để nâng cao năng lực các trường sư phạm