Kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng trong trường hợp cần thiết

(BKTO) - Bộ Tài chính vừa có Thông báo phân công các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

dn-ho-tro-108.jpg
Ngành tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa

Lãnh đạo Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành.

Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương rà soát các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng để sửa đổi, hướng dẫn, trong trường hợp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh, gọn cho doanh nghiệp, đảm bảo hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, trình Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền đảm bảo thời gian.

Quý IV/2023, Tổng cục Thuế phải hoàn thành việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 9/2023, Tổng cục Thuế phải hoàn thành việc báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Trong đó, Tổng cục Thuế phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Vụ Ngân sách nhà nước để đề xuất ý kiến về việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách trong trường hợp cần thiết…

Vụ Đầu tư, Kho bạc Nhà nước đôn đốc các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ công tác thanh, quyết toán, kiểm soát chi, đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn đầu tư công.

Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế... tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả.

Tháng 10/2023, Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính chủ trì trình Bộ để báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ (nếu cần thiết) để phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn.

Cùng với đó, tính toán mức, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vốn, phát hành trái phiếu chính phủ phù hợp theo tiến độ thu, chi, giải ngân vốn đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ vay và ổn định, an toàn, bền vững tài chính quốc gia./.

Cùng chuyên mục
Kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng trong trường hợp cần thiết