Kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá: Kỳ cuối - Bất cập trong chính sách thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp

(BKTO) - Qua kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá đối với các DN những năm qua, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập, hạn chế trong chính sách thực hiện xác định giá trị DN để cổ phần hóa, nhất là sự không thống nhất giữa các Nghị định của Chính phủ với các Thông tư hướng dẫn, đặc biệt là Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 05/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.



Theo KTNN chuyên ngành VI, các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã không thống nhất trong hướng dẫn xác định giá trị DN. Chẳng hạn, trong việc áp dụng tỷ giá ngoại tệ đối với giá trị tài sản đã hạch toán bằng ngoại tệ, nợ phải trả có gốc ngoại tệ thì Điều 18, Thông tư số 127/2014/TT-BTC hướng dẫn tài sản được quy đổi thành đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, nhưng Thông tư số 179/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính lại quy định nợ phải trả có gốc ngoại tệ của DN được xác định theo tỷ giá bán ra của các ngân hàng thương mại. Tín hiệu đáng mừng là vấn đề này đã được làm rõ trong Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa hướng dẫn xác định giá trị tiềm năng phát triển đối với các trường hợp Công ty mẹ không có lợi nhuận sau thuế, nhưng có hướng dẫn các công ty phụ thuộc hạch toán đầy đủ doanh thu, chi phí, xác định có lợi nhuận sau thuế và nộp thuế thu nhập DN tại địa phương.

Đáng chú ý, nội dung hướng dẫn việc xác định tỷ lệ chất lượng của tài sản còn lại không rõ ràng: Thông tư số 127/2014/TT-BTC quy định xác định tỷ lệ chất lượng của tài sản còn lại “phù hợp với các quy định của Nhà nước về điều kiện an toàn trong sử dụng, vận hành tài sản; đảm bảo chất lượng sản phẩm sản xuất; vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành kinh tế, kỹ thuật”. Quy định này khó khăn cho tổ chức tư vấn trong quá trình thực hiện, đồng thời cũng gây khó khăn cho KTNN khi tổ chức kiểm toán kết quả tư vấn.

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ, nguyên nhân thứ nhất là do một số văn bản của các Bộ quản lý ngành kinh tế, kỹ thuật được tổ chức tư vấn sử dụng ban hành đã lâu, không còn phù hợp hoặc các văn bản chỉ mang tính chất tham chiếu, tham khảo (do Bộ quản lý ngành không ban hành văn bản hướng dẫn về việc xác định tỷ lệ chất lượng còn lại phục vụ cho việc xác định giá trị DN khi chuyển DNNN thành công ty cổ phần).

Thứ hai là do một số văn bản hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành kinh tế, kỹ thuật không phù hợp với mô tả đánh giá chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị được hướng dẫn tại Phụ lục số 04 Thông tư số 126/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 và 10. Vì các văn bản hướng dẫn chưa đảm bảo phù hợp so với nguyên tắc, phương pháp kiểm kê và đánh giá lại chất lượng của tài sản dẫn đến tổ chức tư vấn định giá và DN cổ phần hóa có thể hiểu, vận dụng khác nhau, ảnh hưởng đến kết quả định giá.

Kết quả kiểm toán cho thấy, nhiều văn bản hướng dẫn về xác định giá trị DN còn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong thực hiện.

Hơn nữa, các văn bản hướng dẫn về xác định giá trị DN còn có những điểm chưa rõ ràng, gây cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện như về thời điểm tổ chức xác định giá trị DN và thời điểm tổ chức thực hiện xác định giá trị DN. Minh chứng là: Điều 18 Thông tư số 127/2014/TT-BTC quy định “Giá trị vốn góp của DN cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán được xác định theo giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tại thời điểm gần nhất với thời điểm tổ chức thực hiện xác định giá trị DN”, nhưng Điều 33 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP lại quy định “Giá trị vốn góp của DN cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán được xác định theo giá đóng cửa của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tại thời điểm gần nhất với thời điểm thực hiện xác định giá trị DN”.

Đồng thời, việc xác định giá thực tế của tài sản chưa thống nhất trong công thức tính giá về thời điểm tổ chức định giá và thời điểm định giá dẫn đến không thống nhất về việc lựa chọn thời điểm xác định giá thực tế của tài sản (Điều 18 Thông tư số 127/2014/TT-BTC quy định: Giá trị thực tế của tài sản = Nguyên giá tính theo giá thị trường tại thời điểm tổ chức định giá x Chất lượng còn lại của tài sản tại thời điểm định giá). Những vấn đề này cũng được tháo gỡ tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ với quy định rõ ràng một thời điểm là thời điểm xác định giá trị DN.

Bên cạnh đó, KTNN còn phát hiện một số văn bản quy định về suất đầu tư, chỉ số giá xây dựng của các cơ quan có thẩm quyền ban hành chưa có quy định về tên gọi, loại tài sản, kết cấu có tính đặc thù của DN như: công trình công nghiệp thực phẩm, nhà xưởng nhiều tầng, vườn cây sinh thái, nhà xưởng... nên các tổ chức tư vấn định giá phải nội suy theo tài sản tương đương để định giá, do đó chưa đảm bảo tính thống nhất, cũng như chưa đủ cơ sở pháp lý để định giá.

Ngoài ra, KTNN chuyên ngành VI cũng chỉ rõ: việc xác định giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn của DN cổ phần hóa tại các DN khác còn chưa có hướng dẫn đối với một số trường hợp. Một là, trường hợp giá trị vốn góp của DN cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCOM) được xác định theo phương pháp vốn chủ sở hữu có giá trị cao hơn khi xác định giá trị theo giá tham chiếu của cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán, giá giao dịch bình quân trên hệ thống.

Hai là, trường hợp giá trên thị trường chứng khoán hoặc giá trên thị trường UPCOM thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng), công ty cổ phần có vốn góp của DN cổ phần hóa hoạt động kinh doanh có lãi, giá trị vốn góp của DN cổ phần hóa vào công ty cổ phần này được xác định theo phương pháp vốn chủ sở hữu nhưng vẫn thấp hơn mệnh giá.

Hiện các cơ quan hữu quan cũng chưa có hướng dẫn việc xác định giá trị thực tế của hàng tồn kho tại thời điểm xác định giá trị DN đối với hàng tồn kho được DN cổ phần hoá nhập mua thanh toán bằng ngoại tệ.

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 08-3-2018
Cùng chuyên mục
Kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá: Kỳ cuối - Bất cập trong chính sách thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp