Kết quả khảo sát công khai ngân sách: Việt Nam tụt hạng, đại diện Bộ Tài chính chưa đồng tình

(BKTO) - Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) vừa công bố kết quả khảo sát chỉ số công khai NSNN cấp quốc gia (OBI) và chỉ số công khai NSNN địa phương (POBI) tại 115 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cuộc khảo sát này đánh giá về 3 trụ cột: mức độ minh bạch, sự tham gia của công chúng và sự giám sát của cơ quan lập pháp. Dù được IBP đánh giá là có chuyển biến nhưng mức độ công khai ngân sách của Việt Nam vẫn dưới mức trung bình toàn cầu, thậm chí một số chỉ số đã tụt hạng so với lần đánh giá trước đây. Đáng chú ý, đại diện Bộ Tài chính chưa hoàn toàn đồng tình với kết quả đánh giá này.



Việt Nam rơi vào nhóm nước ít công khai ngân sách, điểm sáng nhất thuộc về Quốc hội và KTNN

Tại buổi công bố kết quả khảo sát, ông Joel Friedman - Nghiên cứu viên cao cấp của IBP nhận định: trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường công khai, minh bạch hoạt động quản lý NSNN. Đó là, Việt Nam đã xây dựng quy trình, hệ thống định mức phân bổ và định mức chi tiêu ngân sách rõ ràng, công khai, minh bạch; các tài liệu ngân sách cơ bản đã được công bố. Đặc biệt, Luật NSNN 2015 đã có nhiều điều khoản nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc công khai, minh bạch ngân sách gắn với trách nhiệm giải trình cũng như tạo điều kiện cho công chúng tham gia vào quá trình quản lý NSNN. Điều này được thể hiện qua kết quả khảo sát OBI của Việt Nam kể từ lần đầu tiên vào năm 2006 đến nay.

Tuy nhiên, sau một số năm liên tiếp có xu hướng tăng, đến năm 2017, ở trụ cột thứ nhất - chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam lại có dấu hiệu tụt hạng. Năm 2006, chỉ số OBI của Việt Nam chỉ đạt 3/100 điểm, năm 2015 tăng lên 18/100 điểm, nhưng sang năm 2017, chỉ số này chỉ còn 15/100 điểm. Đây là mức điểm khiến Việt Nam rơi vào nhóm 27 nước ít hoặc không công khai ngân sách.

Lý giải nguyên nhân Việt Nam bị giảm điểm nói trên, đại diện IBP cho biết: theo tiêu chuẩn của OBI, Dự thảo dự toán ngân sách và Báo cáo ngân sách dành cho công dân của Việt Nam chưa công bố đúng thời hạn. Mặt khác, Việt Nam mới chỉ công khai dự toán và quyết toán ngân sách sau khi được Quốc hội và hội đồng nhân dân phê duyệt, nội dung lại quá phức tạp và ít thuyết minh nên chưa thuận tiện cho việc theo dõi của người dân…

Ở trụ cột thứ hai, về sự tham gia của công chúng, năm 2017, Việt Nam chỉ đạt 7/100 điểm, trong khi mức trung bình toàn cầu là 12 điểm. Ngược trở lại quá khứ, năm 2015, Việt Nam đạt 42 điểm ở chỉ số này, còn mức trung bình của thế giới lúc đó là 25. Theo ông Joel Friedman, các nước xếp hạng thấp ở trụ cột này thường do những cơ quan lập pháp, hành pháp và kiểm toán tạo rất ít cơ hội cũng như chưa có cơ chế để công chúng tham gia vào các quá trình ngân sách.

Điều đáng mừng là Việt Nam đã ghi được nhiều điểm nhất ở trụ cột thứ ba - việc giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp và cơ quan kiểm toán cùng đạt 72/100 điểm. Trong đó, việc giám sát trong quá trình lập kế hoạch ngân sách là đầy đủ còn giám sát trong quá trình thực thi ngân sách là hạn chế.

Về nội dung này, TS. Ngô Minh Hương - Nghiên cứu viên cao cấp của IBP cho biết: vai trò của KTNN đối với quá trình minh bạch ngân sách của Việt Nam được thể hiện rõ nhất trên 2 bình diện. Thứ nhất, theo luật định, KTNN được tham gia vào quá trình lập dự toán NSNN, qua đó đưa ra kiến nghị đối với cơ quan xây dựng dự toán. Điều này cũng phù hợp với thông lệ chung của quốc tế và chỉ dẫn của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI)… Thứ hai, KTNN đã thường xuyên kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, qua đó phát hiện và kiến nghị sửa đổi những bất cập về cơ chế, chính sách, đã tạo ra áp lực, buộc các cơ quan, tổ chức phải quản lý, sử dụng ngân sách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công khai, minh bạch ngân sách, KTNN cần phải công bố Báo cáo kiểm toán kịp thời hơn và rộng rãi hơn…

Kết quả xếp hạng chỉ số công khai NSNN địa phương (POBI) năm 2017 của Việt Nam cho thấy, điểm trung bình của 63 tỉnh, thành phố chỉ đạt 30,5/100 điểm, trong đó, không có tỉnh nào được xếp vào nhóm A - nhóm địa phương có mức điểm cao nhất từ 75 đến 100 điểm. Đáng chú ý, TP.HCM và Hà Nội chỉ nằm trong nhóm giữa và thấp với số điểm lần lượt là 56,8 và 27,1; 30 tỉnh có số điểm trên mức trung bình, nhưng chỉ có 12 tỉnh đạt trên 50% tổng số điểm.

Kon Tum là tỉnh dẫn đầu về chỉ số POBI 2017 nhưng cũng chỉ đạt 70,2 điểm. Tiếp đó là các tỉnh: Khánh Hòa, Hải Dương, Sơn La, TP.HCM, Cao Bằng, Bình Định, Bình Dương, Quảng Trị, Lạng Sơn, Đồng Nai và Đà Nẵng. Đây là các tỉnh thuộc nhóm B - có mức điểm từ 50 đến dưới 75.

Đa số các tỉnh ở mức C (25 - 50 điểm) như An Giang, Cần Thơ, Điện Biên... Một số tỉnh ở mức D tức là dưới 25 điểm, trong nhóm này đặc biệt có bốn tỉnh không công khai bất kỳ một loại tài liệu ngân sách nào, hoặc có công khai nhưng yêu cầu phải đăng nhập mới có thể xem được thông tin, bao gồm: Bạc Liêu, Hậu Giang, Tây Ninh và Ninh Bình.

Cũng theo kết quả khảo sát nói trên, 51/63 tỉnh thành công khai báo cáo dự toán ngân sách tỉnh năm 2018 đã được phê duyệt, tiếp đó, khoảng 77,8% số tỉnh công khai báo cáo quyết toán ngân sách của địa phương năm 2016. Tuy nhiên, chỉ có 42,9% số tỉnh công bố công khai tài liệu về dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2018 trình HĐND, 44% số tỉnh công bố báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh quý III/2017 và 39,7% số tỉnh công bố báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh năm 2017. Bình luận về việc này, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - đại diện nhóm nghiên cứu - cho rằng đây là một vấn đề khá lớn vì người đọc làm sao có thể biết được căn cứ xây dựng dự toán cho năm sau trong khi địa phương không công khai kết quả đánh giá tình hình thực hiện ngân sách của năm trước.

Đại diện Bộ Tài chính nói gì?

Ngay sau khi đại diện IBP công bố kết quả khảo sát nói trên, bà Đinh Thị Mai Anh - Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) đã bày tỏ sự bất ngờ trước việc năm 2017 Việt Nam chỉ đạt 7/100 điểm về sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng ngân sách, trong khi đó năm 2015, chỉ số này là 42/100. Theo bà Mai Anh, trong năm qua, khi chuẩn bị thay đổi các chính sách, Bộ Tài chính đều đăng tải dự thảo trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ và gửi văn bản tới các Bộ, ngành, các tổ chức xã hội, các hiệp hội… để lấy ý kiến. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã mở chuyên mục hỏi - đáp trên cổng thông tin điện tử của Bộ do bộ phận chuyên trách đảm nhiệm và có phản hồi ngay trước những thắc mắc của người dân...

Giải thích về việc Việt Nam chưa thực hiện công bố báo cáo giữa kỳ, bà Mai Anh cho biết, Việt Nam đã xây dựng và có công khai báo cáo này. Tuy nhiên, báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của thông lệ quốc tế là phải dự báo định lượng kinh tế vĩ mô cũng như kết quả ngân sách cho 6 tháng cuối năm và ước tính cho cả năm. Việc Việt Nam chưa công khai báo cáo NSNN 6 tháng như thông lệ quốc tế cũng do có đặc thù là hai kỳ họp của Quốc hội diễn ra vào tháng 5 và tháng 10 hằng năm. Tại kỳ họp vào tháng 5, Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội kết quả thực hiện NSNN bốn tháng đầu năm nhưng lúc này còn quá sớm để đánh giá cũng như dự báo cho cả năm.

Bên cạnh đó, bà Mai Anh cũng lý giải thêm về việc chậm công khai Báo cáo ngân sách công dân và Báo cáo ngân sách. Thực tế, các báo cáo này thường được thực hiện, biên soạn và công bố vào tháng đầu tiên của năm dự toán. Tuy nhiên, năm 2016 có điều đặc biệt, đó là tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm khó khăn dẫn đến ước tính thu ngân sách cả năm rất thấp. Điều này đã được Chính phủ báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2016. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả nước, tình hình kinh tế quý IV/2016 đã có cải thiện đáng kể, thu ngân sách tăng cao hơn mức kỳ vọng.

Do đó, nếu Bộ Tài chính phát hành Báo cáo ngân sách công dân cùng Báo cáo ngân sách chi tiết vào tháng 01/2017 thì các thông tin đã lỗi thời và cần phải cập nhật lại. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã quyết định không công bố Báo cáo ngân sách công dân tại thời điểm đó, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, báo cáo thông tin cập nhật nhất. “Cũng vì chúng tôi đã quá cầu toàn, muốn cung cấp cho người dân bức tranh kinh tế - xã hội, tình hình ngân sách trung thực và cập nhật nhất nên đã công khai báo cáo muộn hơn so với yêu cầu của OBI”- giải thích của bà Mai Anh.

Đại diện của Bộ Tài chính cũng cho biết, việc khảo sát OBI và POBI 2017 được thực hiện vào cuối năm 2016 - thời điểm Luật NSNN 2015 chưa có hiệu lực, nghĩa là khi Việt Nam chưa phải công bố Dự thảo dự toán ngân sách trước khi được Quốc hội phê duyệt. Điều này đã dẫn đến việc Việt Nam mất rất nhiều điểm về công khai minh bạch (trọng số 53/109 câu hỏi).

Theo bà Mai Anh, khi có thay đổi về phương pháp đánh giá, nhóm nghiên cứu cần chia sẻ với các quốc gia nhằm ghi nhận những thay đổi của họ về việc thực thi chính sách để cập nhật kết quả chính xác nhất. Đồng thời, bộ câu hỏi dùng để khảo sát OBI vừa mang tính toàn diện nhưng cũng phải tính đến tính đặc thù của từng quốc gia. Chẳng hạn, đặc thù của Việt Nam là hệ thống ngân sách lồng ghép. Chính đặc thù này đã khiến Bộ Tài chính phải mất rất nhiều thời gian để tổng hợp báo cáo quyết toán từ cấp xã, huyện, tỉnh đến trung ương, từ đó phần nào ảnh hưởng đến việc công khai ngân sách kịp thời.

Để Việt Nam tiếp tục cải thiện chỉ số công khai và minh bạch ngân sách, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, khi công khai báo cáo quyết toán, cơ quan quản lý cần công khai báo cáo thuyết minh, giải trình để thấy được kết quả thực hiện như thế nào so với dự toán và mục tiêu đã đặt ra, nguyên nhân là gì, giải pháp khắc phục ra sao…

Ông Joel Friedman lưu ý: một trong những điểm mới quan trọng của Luật NSNN 2015 và có hiệu lực từ năm ngân sách 2017 là việc yêu cầu Chính phủ và UBND các cấp công khai dự thảo dự toán ngân sách trước khi Quốc hội và HĐND phê duyệt trên cổng thông tin điện tử. Trong đó, số liệu càng chi tiết càng tốt để người dân dễ theo dõi. Đây là tài liệu chủ chốt trong 8 tài liệu ngân sách mà cơ quan quản lý cần phải công bố. Đồng thời, Chính phủ cũng cần công bố Báo cáo kiểm toán đúng hạn; xây dựng báo cáo ngân sách giữa kỳ đúng, đủ và công bố đúng thời gian quy định.

Ông Joel Friedman nhấn mạnh: điều quan trọng là Chính phủ cần tăng cường sự tham gia của công chúng trong quá trình xây dựng và phê duyệt NSNN, như thiết lập cơ chế để các cơ quan của Chính phủ và công chúng trao đổi, thảo luận hay thực hiện cơ chế giải trình công khai giữa cơ quan lập pháp với người dân cũng như các tổ chức xã hội…

Nếu thực hiện được đúng theo tinh thần của Luật NSNN 2015, nhất là quy định nói trên, Việt Nam sẽ có bước tiến rất lớn khi ngày càng tiệm cận với những tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI)…

Ông Joel Friedman tin tưởng, Việt Nam có thể ghi được điểm cao hơn về minh bạch ngân sách ở kỳ khảo sát tiếp theo do IBP tiến hành vào năm 2019, sau khi áp dụng Luật NSNN 2015.

MINH ANH
Theo Đặc san Kiểm toán số 71 ra tháng 5/2018
Cùng chuyên mục
  • Cân nhắc hơn về chính sách đất, nhà và nguồn thu ngân sách nhà nước tại các đặc khu kinh tế
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (Luật Đặc khu), nhiều thể chế, chính sách ưu đãi đặc thù được xây dựng nhằm tăng độ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư vào ba đặc khu này theo tinh thần không trái với Hiến pháp, có tính vượt trội, thông thoáng, tạo lợi thế để cạnh tranh quốc tế cũng như nhất quán, ổn định và lâu dài.
  • Thuế bất động sản - thách thức và cơ hội cho Việt Nam
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Vấn đề đánh thuế đất, nhà ở và các tài sản gắn liền là một câu chuyện rất phức tạp, bao gồm cả lý luận, thực tiễn, lịch sử và mối quan hệ trong toàn bộ hệ thống thuế. Nước ta có lộ trình quy định về sắc thuế này khá chậm, gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế từ bao cấp sang thị trường, cũng là quá trình thay đổi tư duy quản lý.
  • Ưu tiên giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng lao động
    5 năm trước Đối nội
    Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, ngày 05/6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thị trường lao động, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em…Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động.
  • Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội về kết quả kiểm toán các dự án BOT
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Là Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên chất vấn ngày 04/6 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội xung quanh những phát hiện, kiến nghị của KTNN đối với các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
  • Chuyển biến rõ rệt trong giải quyết kiến nghị của cử tri
    5 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Công tác giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các Bộ, ngành đã được 59/59 Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Theo đó, công tác này đã có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời, bảo đảm kịp thời, đầy đủ.
Kết quả khảo sát công khai ngân sách: Việt Nam tụt hạng, đại diện Bộ Tài chính chưa đồng tình