Chính sách của địa phương còn bất cập
Thực hiện Đề án của Chính phủ, TP.HCM đã cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 23/2014/CT-UBND ngày 09/9/2014 về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn.
Tuy nhiên, Chỉ thị chưa ban hành đầy đủ các giải pháp tài chính và nhân lực thực hiện; chưa tăng cường và đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ NSNN, các tổ chức, DN trong và ngoài nước nhằm thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; chưa đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị liên quan và báo cáo kết quả thực hiện chưa đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo; chưa giao nhiệm vụ cho Cục Hải quan là đơn vị đang có trách nhiệm kiểm tra và thu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với túi ni lông nhập khẩu trên địa bàn (số liệu của Cục Hải quan TP.HCM cung cấp cho Đoàn kiểm toán cho thấy, từ 2015- 2017, số thuế BVMT thu được từ hàng hóa túi ni lông nhập khẩu là 4-8 tỷ đồng/năm, chiếm từ 10%- 20% tổng thu thuế BVMT trên địa bàn); sự phối hợp giữa các ban ngành, quận huyện chưa chặt chẽ; kế hoạch thông tin tuyên truyền của Sở TN&MT không đề ra mục tiêu cụ thể, gây khó khăn cho việc đánh giá kết quả thực hiện và không phù hợp với Kế hoạch truyền thông ứng phó biến đổi khí hậu 2017-2020 (cuối năm 2017, Kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu 2017-2020 đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2018 và 2020 liên quan đến việc giảm sử dụng túi ni lông nhưng Sở TN&MT TP.HCM không đưa mục tiêu hoặc lộ trình thực hiện mục tiêu này vào kế hoạch giảm sử dụng túi ni lông năm 2018).
Kế hoạch tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông của TP.HCM chưa có mục tiêu cụ thể |
Bên cạnh đó, theo KTNN, việc thực hiện giải pháp khuyến khích sản xuất túi ni lông tự phân hủy sinh học của T.P Hồ Chí Minh chưa mang lại hiệu quả, từ khi Chỉ thị 23 có hiệu lực đến nay, không có dự án nào về sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường vay vốn ưu đãi.
Tiềm ẩn thất thu thuế BVMT
Đáng chú ý, qua cuộc kiểm toán này, KTNN phát hiện vấn đề tiềm ẩn thất thu thuế BVMT do nhiều DN, hộ kinh doanh có sai phạm trong sản xuất, kê khai nộp thuế BVMT đối với túi ni lông qua nhiều năm nhưng các đơn vị chức năng chưa tiến hành kiểm tra, phát hiện kịp thời.
Cụ thể, các DN sản xuất túi ni lông khó phân hủy hầu hết không kê khai nộp thuế BVMT do tự xác định thuộc trường hợp sản xuất và bán bao bì đóng gói sẵn hàng hóa không thuộc diện chịu thuế BVMT (tỷ lệ kê khai nộp thuế bình quân 1,73% trên tổng sản lượng sản xuất), trong đó một số trường hợp không đủ điều kiện bao bì đóng gói sẵn hàng hóa, xác định chưa đúng tỷ lệ % trọng lượng màng nhựa PE đã sử dụng.
KTNN phát hiện nguy cơ thất thu thuế BVMT từ túi ni lông |
Hơn nữa, công tác khoán thuế (trong đó có thuế BVMT đối với túi ni lông) của các hộ kinh doanh chưa phù hợp, chưa chính xác, việc điều tra doanh thu khoán chưa bao quát được đầy đủ hoạt động kinh doanh của hộ: có trường hợp số kê khai nộp thuế thấp hơn nhiều lần so với số thực tế sản xuất và tiêu thụ; nhiều trường hợp có tổng doanh thu khoán thuế thấp hơn chi phí tiền điện, cá biệt có trường hợp thấp hơn 8,5 lần; số thực tế khoán thuế thấp hơn biên bản điều tra doanh thu... Qua phỏng vấn hộ kinh doanh cho thấy, sản phẩm túi ni lông khó phân hủy vẫn được tiêu thụ rất nhiều, giá bán bình quân chỉ 26.000 đồng/kg, thấp hơn mức thuế BVMT 40.000đ/kg phải nộp…
Do quản lý thiếu chặt chẽ
Qua thống kê chưa đầy đủ của Sở TN&MT TP.HCM, số lượng túi ni lông khó phân hủy sản xuất trên địa bàn TP.HCM năm 2017 là 16 nghìn tấn. Ước tính mới nhất của Sở TN&MT năm 2017 dựa trên kết quả khảo sát 6 quận năm 2015, khối lượng túi ni lông thải bỏ ra môi trường của TP.HCM là 80 nghìn tấn/năm, trong đó túi ni lông khó phân hủy là 77 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Cục thuế, số thuế BVMT thu được năm 2017 là 34,5 tỷ đồng, tương đương 860 tấn túi ni lông khó phân hủy thuộc diện chịu thuế (có chất liệu PE).
Một cơ sở sản xuất túi ni lông (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, lượng sản xuất túi ni lông khó phân hủy của một số DN lại có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Số liệu thống kê 38 DN sản xuất túi ni lông cho thấy, năm 2014 sản lượng xuất bán túi ni lông có chất liệu PE của các DN là 22.938 tấn, năm 2017 là 33.376 tấn, tăng tới 46%. Đồng thời, số lượng túi ni lông thải bỏ ra môi trường ngày càng tăng mạnh. Số lượng túi ni lông nhập khẩu cũng tăng mạnh sau 4 năm (từ 63,8 tấn năm 2014 lên 219,8 tấn năm 2017). Số lượng nguyên liệu hạt nhựa và phế liệu nhựa có thể dùng để sản xuất túi ni lông khó phân hủy nhập khẩu trên địa bàn TP.HCM cũng tăng 65% sau 4 năm.
Theo KTNN, nguyên nhân có thể do phần lớn số lượng túi ni lông PE sản xuất của các DN theo kê khai là để đóng gói sẵn sản phẩm (đối tượng không chịu thuế BVMT), các DN đang dần di dời cơ sở sản xuất sang các tỉnh lân cận nhưng vẫn chuyển sản phẩm về Thành phố tiêu thụ, một nguyên nhân nữa có thể là do chưa quản lý được đầy đủ các cơ sở sản xuất túi ni lông chịu thuế BVMT.
QUỲNH ANH (còn tiếp)