Kết quả thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa KTNN khu vực IX với Thường trực HĐND và UBND các tỉnh




Trong những năm qua, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã tích cực phối hợp hiệu quả với KTNNtrong nhiều hoạt động. Ảnh: Ban tổ chức
BÁO CÁO
KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC KHU VỰC IX VỚI THƯỜNG TRỰC HĐND VÀ UBND CÁC TỈNH AN GIANG, BẾN TRE, ĐỒNG THÁP, TIỀN GIANG, TRÀ VINH VÀ VĨNH LONG
KTNNđã ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Trong những năm qua, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã tích cực phối hợp với KTNN trong nhiều hoạt động cụ thể, mang lại những kết quả thiết thực trong công tác kiểm toán, đồng thời giúp HĐND, UBND tỉnh đánh giá đúng tình hình quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và các văn bản Luật mới ra đời, KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh thống nhất đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc; đồng thời, thống nhất phương hướng, giải pháp thực hiện công tác phối hợp tốt hơn trong thời gian tới như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG CỦA QUY CHẾ
1. Phối hợp trong xây dựng kế hoạch kiểm toán
Hàng năm, KTNN đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh trong việc khảo sát, thu thập thông tin phục vụ lập kế hoạch kiểm toán trên địa bàn tỉnh. Thường trực HĐND, UBND các tỉnh luôn quan tâm phối hợp và chỉ đạo các đơn vị tham mưu cung cấp thông tin, tài liệu và lập các báo cáo gửi KTNN. Đồng thời, cung cấp các báo cáo kết quả giám sát, báo cáo thẩm tra; các Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND tỉnh chỉ đạo công tác điều hành, quản lý tài chính, ngân sách tạo điều kiện thuận lợi xây dựng kế hoạch kiểm toán.
Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã thảo luận và tham gia ý kiến với Kiểm toán về các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được thanh tra, kiểm tra, giám sát theo định kỳ và đột xuất trong năm trước và năm hiện tại nhằm hạn chế trùng lắp giữa Kiểm toán với hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra các cấp.
KTNN khu vực IX luôn dành thời gian làm việc với Thường trực HĐND, UBND tỉnh để nắm bắt về hoạt động giám sát của HĐND, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đề nghị HĐND, thông tin nội dung, phạm vi và đối tượng liên quan cần thiết được kiểm toán để phục vụ cho việc giám sát của HĐND.
2. Phối hợp trong thực hiện kiểm toán
Khi triển khai quyết định kiểm toán tại địa phương, KTNN đã thông báo kế hoạch kiểm toán kịp thời đến HĐND, UBND; chủ động đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp trong hoạt động kiểm toán. Qua đó, UBND tỉnh và các Sở, ngành ở địa phương nắm vững kế hoạch, thông tin về tình hình kiểm toán tại các đơn vị; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan Thuế, Tài chính với Đoàn kiểm toán, kịp thời xử lý những phát sinh vướng mắc khi thực hiện kiểm toán. Hầu hết các đơn vị được kiểm toán; được lựa chọn kiểm tra, đối chiếu chấp hành phối hợp tích cực với các đoàn kiểm toán.
Kết hợp phổ biến về Luật KTNN, quy trình lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của KTNN. Riêng năm 2012, đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh tuyên truyền nội dung đề xuất bổ sung địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp.
Trong thời gian thực hiện kiểm toán, lãnh đạo KTNN khu vực IX đã trực tiếp làm việc với một số đơn vị được kiểm toán qua đó thu thập thêm thông tin tình hình hoạt động của Đoàn kiểm toán, phong cách, thái độ làm việc của Kiểm toán viên, thực hiện Quy chế hoạt động đoàn kiểm toán và Quy tắc ứng xử kiểm toán viên theo quy định của ngành. Qua đó kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những thiếu sót hoạt động của Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên không để xảy ra vi phạm, sai phạm quy chế của ngành, quy định của pháp luật.
3. Phối hợp trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán
KTNN đã Thông báo kết quả kiểm toán đến Thường trực HĐND, UBND để triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán cơ bản đúng yêu cầu và thời gian quy định. Đồng thời, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã thường xuyên rà soát, thống kê kết quả thực hiện kiến nghị; có công văn đề nghị KTNN điều chỉnh các kết luận, kiến nghị kiểm toán không thực hiện được, kéo dài và không có tính khả thi để xử lý theo quy định.
4. Phối hợp trong hoạt động giám sát, quản lý và điều hành ngân sách địa phương
4.1. Về phía kiểm toán nhà nước
Qua công tác kiểm toán, KTNN khu vực IX đã đánh giá, nêu bật được các mặt tích cực của các địa phương trong công tác quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách của các cấp ngân sách và đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời, cũng chỉ ra những hạn chế, sai sót cần khắc phục. Trên cơ sở đó đã có kết luận, kiến nghị xác đáng, phù hợp, kịp thời góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương. Các kết luận, kiến nghị kiểm toán là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh lập Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; và cũng là kênh thông tin quan trọng để HĐND tỉnh sử dụng trong quá trình thẩm tra, quyết định thông qua quyết toán NS, dự toán và phân bổ NS năm sau.
Đặc biệt, KTNN đã đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, kế toán nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương; phối hợp tốt với địa phương tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị, để thông tin đến HĐND, UBND tỉnh.
Ngoài ra, KTNN Khu vực IX còn bố trí, cử lãnh đạo đơn vị tham gia các kỳ họp HĐND tỉnh và tham mưu cho Lãnh đạo KTNN trả lời các văn bản kiến nghị kiểm toán của địa phương.
4.2. Về phía địa phương
Hàng năm UBND các tỉnh đã thực hiện đầy đủ việc gửi báo cáo quyết toán ngân sách địa phương cho KTNN; thường xuyên cung cấp các Nghị quyết của HĐND, các văn bản chỉ đạo, điều hành về tài chính ngân sách do HĐND, UBND tỉnh ban hành....giúp KTNN nắm được những chính sách cụ thể liên quan đến quản lý kinh tế - xã hội của địa phương, thuận lợi cho việc xây dựng kế hoạch kiểm toán.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu tổng hợp và các đơn vị được kiểm toán phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cơ sở vật chất, môi trường làm việc, sinh hoạt cho Đoàn kiểm toán; chỉ đạo cơ quan đầu mối thường xuyên phối hợp với kiểm toán, nắm bắt tình hình về tiến độ kiểm toán, những vướng mắc phát sinh (nếu có) để phối hợp xử lý.
HĐND tỉnh đã tổ chức công khai kết quả kiểm toán, các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán đến đại biểu HĐND tỉnh nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong sử dụng ngân sách....Đồng thời, trong khi thực hiện hoạt động giám sát của HĐND về lĩnh vực tài chính, ngân sách, HĐND tỉnh đã tích cực đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Ưu điểm
Sau khi Quy chế phối hợp được ký kết, Kiểm toán nhà nước và HĐND, UBND các tỉnh đã tích cực, nghiêm túc triển khai thực hiện trên cơ sở tuân theo pháp luật của Nhà nước và quy định của các bên tham gia quy chế.
HĐND, UBND các tỉnh đã tích cực thực hiện các nội dung giúp KTNN thực hiện tốt nhiệm vụ từ khi lập KHKT, tiến hành kiểm toán và thực hiện kiến nghị kiểm toán. Công tác kiểm toán của KTNN đã giúp cho thường trực HĐND và UBND tỉnh đánh giá đúng những ưu điểm và tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách địa phương.
KTNN khu vực IX thường xuyên phối hợp với UBND tỉnh xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, tổng hợp kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thông tin đến HĐND, UBND tỉnh; giúp Thường trực HĐND, UBND tỉnh đánh giá đúng những ưu điểm, tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách.
2. Những hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại trong quá trình thực hiện quy chế phối hợp, đó là:
Chưa thường xuyên tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện Quy chế phối hợp để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung nội dung qui chế sát với yêu cầu, nhiệm vụ và đề ra giải pháp thực hiện thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.
KTNN khu vực IX chưa chủ động phối hợp với HĐND, UBND tỉnh trong việc trao đổi thông tin liên quan đến việc cung cấp dự toán NSNN, các văn bản quản lý điều hành ngân sách, báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm, các báo cáo kết quả giám sát một cách có hệ thống để chủ động có ý kiến đóng góp trong công tác xây dựng dự toán ngân sách địa phương và thu thập thông tin xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm.
III. NHIỆM VỤ VÀ NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT
Để nâng cao hiệu quả phối hợp trong hoạt động kiểm toán giữa KTNN và HĐND, UBND các tỉnh, trước hết từng cơ quan phải nhận thức đầy đủ về hoạt động kiểm toán và mối quan hệ giữa KTNN và HĐND, UBND tỉnh; về những tác động tích cực mang lại từ việc thực hiện tốt quy chế phối hợp. Vì vậy, trong thời gian tới KTNN và Thường trực HĐND-UBND các tỉnh cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm túc các nội dung đã ký kết phối hợp công tác, thường xuyên ra soát để bổ sung, hiệu chỉnh nội dung phối hợp cho phù hợp tình hình mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phối hợp phục vụ cho nhiệm vụ của KTNN và địa phương
2. Tổ chức họp giao ban định kỳ (hàng năm) giữa KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh; có sự tham dự của Ban Kinh tế - Ngân sách, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm trong các hoạt động có liên quan, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý, giám sát ngân sách và tài sản nhà nước tại địa phương.
3. KTNN kịp thời hoàn thành Báo cáo kiểm toán ngân sách của địa phương trước khi UBND tỉnh báo cáo trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương (kỳ họp thường kỳ cuối năm).
4. Hàng năm, KTNN gửi Chương trình, kế hoạch kiểm toán hoặc dự kiến Chương trình, kế hoạch kiểm toán đến thường trực HĐND và UBND các tỉnh để Thường trực HĐND - UBND các tỉnh có cơ sở điều chỉnh Chương trình, kế hoạch giám sát, kiểm tra , thanh tra của các đơn vị trên địa bàn cho phù hợp.
5. Đưa vào công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm tại các cơ quan, đơn vị nội dung tuyên truyền Luật KTNN để các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.
Trên đây là báo cáo tổng kết Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với HĐND, UBND các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.
KTNN và Thường trực HĐND, UBND các tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, chất lượng công tác quản lý, điều hành và giám sát ngân sách của địa phương.
NGUYỄN HUỲNH TỊNH
Cùng chuyên mục
Kết quả thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa KTNN khu vực IX với Thường trực HĐND và UBND các tỉnh