Khắc phục lệch cung - cầu đào tạo và việc làm: Xã hội hóa giáo dục là con đường cơ bản

(BKTO)- Trong số báo ra gần đây, Báo Kiểm toán cóbài viết phản ánh về tình trạng lệch cung - cầu trong đào tạo và việc làm, gâylãng phí và để lại nhiều hệ lụy trong xã hội. Bày tỏ quan điểm của mình về vấnđề này với phóng viên Báo Kiểm toán, GS. Trần Phương - nguyên Phó Thủ tướngChính phủ đã khẳng định: Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học sẽ là con đường đểgiảm dần khoảng cách chênh lệch này.




GS. Trần Phương. Ảnh: T.K

Giảm chênh lệch cung - cầu là yêu cầu bức thiết

Từ năm 1986 trở về trước, nước ta thực thi cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Mỗi năm, các cơ quan, DN cần bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), về ngành nghề gì, bố trí vào các vị trí nào, đều được kế hoạch Nhà nước dự liệu. Các trường ĐH, CĐ theo kế hoạch của Nhà nước nhận chỉ tiêu đào tạo, sinh viên ra trường cũng theo đó mà nhận vị trí công tác. Kể từ sau Đại hội VI của Đảng (12/1986), chúng ta từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, chuyển dần sang cơ chế thị trường. Trong bối cảnh đó, giáo dục ĐH chịu tác động của 3 lực lượng: nguồn cung, lực cầu và khuynh hướng chọn nghề của sinh viên.

Tác động nhiều chiều của 3 lực lượng nêu trên đã khiến cho quy mô và cơ cấu của nền giáo dục ĐH nước ta mang nặng tính tự phát mà không biện pháp hành chính nào có thể điều chỉnh được. Đã chấp nhận cơ chế thị trường thì không thể nào loại bỏ hoàn toàn sự không ăn khớp giữa cung và cầu. Nhưng, chúng ta có thể giảm nhẹ sự không ăn khớp đó, chủ yếu bằng cách tác động vào nguồn cung, làm cho khoảng cách đó ngày càng rút ngắn lại. Lâu nay, các trường ĐH, CĐ đều hoạt động riêng rẽ, từ thiết kế chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình cho các môn học, đến soạn thảo đề thi, kiểm tra. Trong đó, có nhiều việc giống nhau giữa các trường, như: soạn giáo trình dạy về tin học, ngoại ngữ… nhưng lại không được thừa nhận, sử dụng sản phẩm của nhau để đỡ lãng phí công sức và kinh phí. Trong khi nhiều trường ĐH trên thế giới đã công bố “nguồn học liệu mở” dành cho bất cứ trường nào khác có nhu cầu sử dụng.

Với vai trò điều tiết thị trường lao động thông qua các chính sách quản lý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết hợp với Tổng cục Thống kê cần công bố cập nhật nhu cầu lao động về từng ngành nghề, chỉ rõ các ngành nghề nào đang thiếu, hoặc thừa để các trường ĐH, CĐ căn cứ vào đó mà điều chỉnh quy mô đào tạo, để sinh viên căn cứ vào đó mà điều chỉnh khuynh hướng lựa chọn ngành nghề. Điều này được thực hiện nhằm bảo đảm cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động xã hội.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục ĐH

Nhìn vào bất cứ tiêu chí nào đều phải thừa nhận rằng nền giáo dục ĐH của nước ta còn non yếu, nguồn nhân lực trình độ ĐH còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố và không dễ tạo ra trong ngày một ngày hai. Với kinh phí đào tạo mỗi năm chỉ dừng lại ở mức 500 - 700 USD/sinh viên, chúng ta không thể đòi hỏi cao hơn đối với người dạy và phương tiện giảng dạy để đạt chất lượng đào tạo cao như các nước có nền giáo dục phát triển, hiện đại trên thế giới. Để phát triển giáo dục ĐH trong điều kiện NSNN có hạn phải mạnh dạn xã hội hóa hơn nữa. Điều này không chỉ có nghĩa là khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập, mà phải xã hội hóa ngay cả các trường công lập. Gia đình của sinh viên, dù là sinh viên các trường ngoài công lập hay công lập, đều phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí đào tạo. Nhà nước phải sớm xóa bỏ bao cấp đối với sinh viên các trường công lập, tạo ra sự bình đẳng giữa các trường công lập và các trường ngoài công lập. Chỉ những ngành nghề đặc biệt quan trọng đối với lợi ích quốc gia mới được NSNN ưu đãi. Đối với sinh viên nghèo, Nhà nước có quỹ cho vay để đóng học phí. Thực tế cho thấy, cách nhìn nhận đối với các trường ngoài công lập tại nước ta cũng cần phải thay đổi. Phần lớn các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới là trường ngoài công lập. Ngay như Nhật Bản, Singapo cũng có khoảng 80 - 85% sinh viên được đào tạo tại các trường ngoài công lập.

Cùng với đó, khi thực hiện xã hội hóa giáo dục ĐH, vai trò của tổ chức Hiệp hội giáo dục cần phải được nâng cao hơn nữa. Trong việc định hướng nền giáo dục ĐH, Hiệp hội có vai trò rất lớn, các thành viên Hiệp hội có thể thỏa thuận với nhau điều chỉnh nguồn cung giữa các ngành nghề không phù hợp cũng như đóng góp nhiều ý kiến đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm cho các quy định của Bộ phù hợp với thực tế.
Việc thẩm định chương trình, chất lượng đào tạo của các trường DH, đặc biệt là các trường mới thành lập, lâu nay do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm, nay cũng nên giao cho Hiệp hội đảm nhiệm, trực tiếp là một nhóm trường có kinh nghiệm đào tạo về ngành học đó thẩm định. Như vậy, chất lượng thẩm định sẽ cao và đáng tin cậy hơn.

Tất cả những hành động trên phải được thực hiện đồng bộ, gắn kết giữa các Bộ, ngành và toàn xã hội. Có như vậy, những chênh lệch về cung - cầu bấy lâu mới giảm dần, tạo cơ sở cho việc hạn chế tối đa những khoảng cách này sau khi ngành Giáo dục thực hiện nhiều biện pháp đổi mới.

GS TRẦN PHƯƠNG - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
Cùng chuyên mục
  • Nông nghiệp Việt Nam 2014: Những thành tựu đáng ghi nhận
    9 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm2014, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâmchỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đivào cuộc sống, ngành Nông nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận,đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Đây là khẳng định củaBộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triểnnông thôn (NN&PTNT) năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 được tổ chứcmới đây.
Khắc phục lệch cung - cầu đào tạo và việc làm: Xã hội hóa giáo dục là con đường cơ bản