Đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí tuân thủ
Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 chương với 121 điều. Trong đó, bên cạnh các nội dung kế thừa và có sửa đổi ở 62 điều, Dự thảo Luật bổ sung 59 điều gồm các nội dung về: quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần…
Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động 4 điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
“Các quy định tại Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật liên quan và các vấn đề cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra; đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ” - Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.
Dự thảo Luật cũng được xây dựng theo hướng phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (trung ương và địa phương) trong việc xây dựng chính sách, quản lý ngành điện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động điện lực và sử dụng điện nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phù hợp với thực tiễn thi hành trong lĩnh vực điện lực.
Về thủ tục hành chính (TTHC), Dự thảo Luật đã bãi bỏ 19 TTHC, sửa đổi, bổ sung 1 TTHC và có 29 TTHC mới. Một số TTHC phát sinh là để thực hiện chủ trương đơn giản hóa TTHC, tách các TTHC phức tạp hiện nay thành các TTHC riêng biệt, phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, qua đó đạt mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, công khai, minh bạch và cắt giảm chi phí tuân thủ cho tổ chức tham gia hoạt động điện lực.
Các TTHC được nghiên cứu, xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, đơn giản hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Các TTHC về cấp phép và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động điện lực
Thẩm tra Tờ trình Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH,CN&MT) cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cũng nhấn mạnh thêm các yêu cầu khi sửa đổi Luật Điện lực. Đó là, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, trong đó, đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phù hợp với hiện trạng của đất nước.
Đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh; xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về điện lực, đồng thời không hợp thức hóa các sai phạm trong lĩnh vực điện lực; thực hiện cải cách theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt các đầu mối trong quản lý nhà nước về điện lực...
Liên quan đến vấn đề thị trường điện cạnh tranh, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban thấy rằng, quá trình tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường điện cạnh tranh rất chậm so với tiến độ đã được quy định. Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc liên quan đến lộ trình phát triển thị trường điện; kế hoạch tái cơ cấu ngành điện; kế hoạch cải cách giá bán lẻ điện và tuân thủ chỉ đạo tại Nghị quyết 55-NQ/TW.
Về giá điện và giá các dịch vụ về điện, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như: xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện./.