Mức thuế suất của Việt Nam thấp hơn khu vực và thế giới
Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan đến đề nghị triển khai định hướng tăng mức thuế suất phổ thông 10% theo lộ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ: Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đều đưa ra phương hướng, nhiệm vụ nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, mức thuế suất phổ thông 10% của Việt Nam hiện nay là thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, cần tạo ra dư địa để tăng thuế như nhiều nước đã làm để nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau đại dịch.
“Xu thế chính sách tài khóa giai đoạn hiện nay là tăng thuế gián thu đánh vào tiêu dùng một cách hợp lý để có điều kiện giảm thuế trực thu đánh vào đầu tư, góp phần giải quyết bài toán về số thu ngân sách, đồng thời khuyến khích đầu tư cho tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh khó có thể ban hành sắc thuế mới như thuế tài sản trong giai đoạn trước mắt” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nói.
Do đó, việc sửa đổi Luật thuế GTGT lần này là cơ hội để thực hiện nhiệm vụ đã đặt ra qua nhiều giai đoạn và là nội dung cơ bản để triển khai định hướng mở rộng cơ sở thu.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 9 Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lộ trình tăng thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên 11% từ ngày 01/01/2028 và lên mức 12% từ ngày 01/01/2030. Dự báo tác động của việc tăng thuế suất này là tăng thu khoảng 40.100 tỷ đồng vào năm 2028 và 43.400 tỷ đồng vào năm 2030.
“Lộ trình này không ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế trong thời gian 4-5 năm tới và bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch để các doanh nghiệp có thể tính toán, hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Cơ quan soạn thảo đề nghị không quy định lộ trình tăng thuế mà sẽ tiếp tục nghiên cứu để Chính phủ trình Quốc hội trong giai đoạn tiếp theo của chiến lược cải cách thuế. Nội dung này được thể hiện theo 2 phương án tại Dự thảo Luật” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nói.
Cân nhắc nâng mức thuế giá trị gia tăng lên 12-14%
Cho ý kiến về định hướng tăng mức thuế suất phổ thông 10%, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu, cần bám sát định hướng tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược Cải cách thuế đến năm 2030 để xác định lộ trình; tính toán hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hiện còn nhiều khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc không quy định lộ trình tăng thuế trong Luật mà giao Chính phủ nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đưa ra ý kiến từ góc độ Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, thuế GTGT là thuế gián thu, đánh vào người sử dụng cuối cùng. Do đó, nên cân nhắc mức lộ trình vì nó ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác trong đời sống, nhất là thu nhập của người dân.
Cũng góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua khảo sát tại Argentina và Chile vừa qua cho thấy, hai nước này đánh thuế 19%, còn hiện nước ta đang đánh thuế ở mức 5 - 10% - mức tương đối thấp. Vì vậy, cần có lộ trình tăng thuế này cao hơn trong thời gian tới.
“Ủy ban Tài chính, Ngân sách đang đề nghị năm 2028 nâng lên 11%, năm 2030 nâng lên 12%, trong khi có những nước hiện đang áp dụng mức thuế 19% như trên. Theo tôi, Chính phủ cần đánh giá, tính toán, cân nhắc, có thể nâng lên 12-13-14% chứ không phải chỉ ở mức 11-12%” - ông Vũ Hồng Thanh đề xuất.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đây là định hướng và lộ trình chứ chưa phải quy định thực hiện ngay. Nếu bây giờ chúng ta quy định ngay ở trong Luật thì trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện có thể gây ra vướng mắc. Do đó, nên để cho Chính phủ có đề án tính toán, sớm báo cáo Quốc hội để có hướng xử lý vấn đề này trong thời gian tới theo quy định của Trung ương.
Để tiếp tục hoàn thiện nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra Dự án Luật tiếp tục rà soát, thống nhất về quy định lại lộ trình tăng thuế suất trong Dự thảo Luật.
Khoản 3 Điều 9 Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) quy định:
Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ được các nhà cung cấp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số) không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Phương án 1:
Mức thuế suất 11% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2028.
Mức thuế suất 12% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2030.
Phương án 2: Giữ nguyên mức thuế suất 10%”.
Trích Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội