Khắc phục tình trạng bầu cử thay, bầu hộ

(BKTO) - Để Ngày bầu cử (23/5) sắp tới đảm bảo thực chất, dân chủ, khách quan, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cử tri về ý nghĩa, giá trị của lá phiếu bầu thì cần phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ bầu cử trong công tác tổ chức bầu cử để động viên cử tri đi bỏ phiếu, khắc phục tình trạng bầu thay, bầu hộ.



                
   

Mỗi cử tri cần nhận thức rõ quyền và trách nhiệm của mình để trực tiếp tham gia bỏ phiếu bầu cử - Ảnh: ST

   

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Ngô Sách Thực nhìn nhận, những hiện tượng như bầu thay, bầu hộ trong những kỳ bầu cử trước ở nơi này nơi khác vẫn xảy ra. Để hạn chế tình trạng này, trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021–2026, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp trong tổ chức thực hiện bầu cử, đặc biệt là phải đưa ra nhiều biện pháp để khắc phục hiện tượng này.

Theo đó, việc tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về quyền bầu cử là rất quan trọng. Phải làm sao tuyên truyền sâu rộng bằng các hình thức, biện pháp, tuyên truyền liên tục để người dân được thông tin kịp thời, hiểu về ý nghĩa và trách nhiệm của cử tri trong đợt bầu cử này.

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, cần chú trọng tuyên truyền về các cách thức đảm bảo thuận tiện, an toàn khi cử tri đi bầu cử. Ngoài việc phải thường xuyên thông tin về ngày, giờ bỏ phiếu, địa điểm bỏ phiếu thì cần tuyên truyền về các phương án bỏ phiếu an toàn trong tình hình bệnh như: không mít tinh, tập trung bỏ phiếu ngay đầu buổi sáng như các kỳ bầu cử trước mà giãn đều trong ngày bầu cử; cử tri phải tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế và thực hiện tốt thông điệp 5K khi đi bầu cử…

“Bên cạnh việc tuyên truyền, thì phải thể hiện bằng cả việc làm cụ thể. Chẳng hạn như trong việc lập danh sách cử tri, tổ bầu cử phải trân trọng trao thẻ cử tri, danh sách người ứng cử để cử tri nghiên cứu trước… Những động tác này sẽ tác động đến cử tri để cử tri thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đi bầu cử” - ông Ngô Sách Thực chia sẻ.

Để cử tri đi bầu cử thì địa điểm bỏ phiếu phải thuận tiện và an toàn cũng là yếu tố quan trọng. Theo ông Ngô Sách Thực, tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương và căn cứ vào mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu phải bảo đảm an ninh, trật tự.

Để phòng, chống dịch Covid-19, tổ bầu cử cần chú ý các phòng bỏ phiếu hoặc địa điểm bỏ phiếu phải tạo lối đi, hành lang thông thoáng và có hướng dẫn cụ thể cho cử tri tham gia bỏ phiếu, bảo đảm khoảng cách khi nhận phiếu bầu cử, ghi phiếu và bỏ phiếu bầu cử vào hòm phiếu, đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu...

Nhấn mạnh cấp cơ sở và khu phố, tổ bầu cử có vai trò quyết định thành công của ngày bầu cử, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lưu ý, phải đặc biệt quan tâm điều kiện vật chất, công tác tập huấn, chế độ cho nhân viên tổ bầu cử, các phương án hòm phiếu phụ… Làm tốt được những khâu này sẽ tạo điều kiện và động viên mọi cử tri, quan trọng nhất là cử tri sẽ yên tâm, tự mình đi bỏ phiếu để lựa chọn người xứng đáng bầu vào Quốc hội và HĐND.

Bên cạnh những giải pháp trên, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, để tránh tình trạng đi bầu hộ, bầu thay, Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ đã quy định rất cụ thể. Theo đó, cử tri phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay. Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri phải xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu. Trường hợp cử tri không thể tự gạch phiếu bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình đi bỏ phiếu. Trường hợp người khuyết tật không thể bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu.

“Các thành viên tổ bầu cử đã được tập huấn kỹ nội dung này nên sẽ khắc phục được tình trạng đi bầu thay, bầu hộ”- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
Khắc phục tình trạng bầu cử thay, bầu hộ