Khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

(BKTO) - Chiều 15/10, tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế năm 2018 và 3 năm 2016- 2018, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Chính phủ cần lưu ý những tồn tại, hạn chế, thách thức trong phát triển kinh tế- xã hội để có những giải pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018, 2019 cũng như kế hoạch 5 năm (2016-2020).



Sự quyết liệt, sâu sát của Chính phủ tạo hiệu ứng tích cực

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thống nhất với Báo cáo của Chính phủ 3 năm qua, chúng ta đã ổn định được kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, nợ công được kiểm soát, xã hội đồng thuận về chủ trương của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân. Nhờ đó, chúng ta có khí thế mới để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội cho những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vừa làm, vừa gỡ; vừa làm, vừa tạo sự đồng thuận; vừa khắc phục hạn chế yếu kém vừa khắc phục thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu… với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, với các chương trình hành động của Chính phủ, chúng ta đã hoàn thiện được nhiều thể chế, chính sách như: công khai, minh bạch công tác giao vốn đầu tư trung hạn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với DN về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng đã có tác động tích cực, nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống chính trị, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chúng ta đã vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt, tạo được hiệu ứng lan tỏa tốt trên nhiều lĩnh vực, củng cố niềm tin trong Nhân dân, được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.

Đặc biệt, điểm đáng ghi nhận là Thủ tướng Chính phủ luôn đi sâu đi sát cơ sở, giải quyết kịp thời vướng mắc đặt ra, động viên, khuyến khích các nhà đầu tư vào Việt Nam. Lãnh đạo Chính phủ thường xuyên trực tiếp đi địa phương hoặc mời địa phương làm việc với các Bộ, ngành để giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc.

Dưới góc nhìn cơ quan dân nguyện, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá, qua rà soát cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã tiếp nhận khoảng 10 nghìn kiến nghị của cử tri và số kiến nghị này đã được trả lời 100%, có văn bản trả lời gửi tới các Đoàn đại biểu Quốc hội nơi cử tri có kiến nghị. Đây là sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các Bộ, ngành Trung ương, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác giải quyết kiến nghị cử tri. Chất lượng giải quyết các kiến nghị của cử tri được các Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao; số các kiến nghị của cử tri đã được giải quyết đạt cao nhất kể từ khi Ban Dân nguyện được thành lập đến nay (20%); nhiều vấn đề cử tri kiến nghị được giải quyết nhanh.

Trong đó, cử tri đánh giá cao các các nét nổi bật trong thực hiện các kiến nghị liên quan đến vấn đề nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra, chống tham nhũng, thu hồi tài sản…

Chú trọng rủi ro và khắc phục những tồn tại của nền kinh tế

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: quochoi.vn
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, Chính phủ nên đánh giá rõ hơn về tính tự chủ của nền kinh tế; về giải pháp để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, đánh giá thêm về tình hình sản xuất ở một số ngành, một số lĩnh vực; bổ sung đánh giá tác động của công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy đối với đời sống kinh tế - xã hội…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì đề nghị, Chính phủ cần làm rõ chất lượng các công trình hạ tầng nói chung, đặc biệt là công trình đầu tư công trong đó có công trình giao thông xuống cấp nhanh.

“Chúng ta phải trả lời được câu hỏi mà cử tri nói lâu rồi: Vì sao công trình làm thì lâu mà hỏng thì nhanh, đặc biệt là các công trình giao thông. Vừa rồi, cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi mới thông xe 2/9/2018, đầu tư 34.500 tỷ đồng mà xuống cấp rất nhanh. Chúng tôi đề nghị làm rõ các vụ việc cụ thể mà dư luận, cử tri, báo chí nêu, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.”- Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.

Nhấn mạnh vấn đề tham nhũng lớn, tham nhũng dưới hình thức lợi ích nhóm, sân sau, công ty gia đình đang dần lộ diện qua các vụ án vừa qua, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng đề nghị Chính phủ và cơ quan tư pháp tập trung để có nhận diện đầy đủ, có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời quan tâm hơn đến công tác phòng chống cháy nổ; ô nhiễm và sự cố môi trường…

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, mục tiêu cơ bản tổng quát đề ra đã đạt được, 12 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế- xã hội đạt và vượt; tình hình chung có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát tốt và bảo đảm các cơ cấu lớn, cân đối lớn của nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chú ý những rủi ro về tác động kinh tế thế giới, đặc biệt cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ- Trung Quốc có thể tác động tiêu cực trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền kinh tế nước ta, nhất là hoạt động xuất khẩu và đầu tư. Bên cạnh đó, cần chú ý những rủi ro về lạm phát, tỷ giá; các rào cản về thủ tục hành chính và công tác chỉ đạo điều hành; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện nhưng mức độ thực thi ở các ngành, các cấp chưa đều, có nơi còn hình thức…

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần giải trình, làm rõ thêm trước Quốc hội một số vấn đề như: chất lượng tăng trưởng kinh tế so với yêu cầu, mức độ bền vững của nền kinh tế; năng suất lao động đang ở mức nào…

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả tích cực, Chính phủ cần lưu ý những tồn tại, hạn chế, thách thức, khó khăn và tập trung khắc phục để có những giải pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018, 2019 cũng như kế hoạch 5 năm (2016- 2020).

Trong đó, cần bám sát Nghị quyết của Đảng, của QH, phấn đấu không thay đổi các mục tiêu mà QH đã đặt ra cho 5 năm. Tiếp tục ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng bền vững; có giải pháp để khắc phục các thách thức về chính sách phòng hộ quốc gia về kinh tế ở một số nước, cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và những khó khăn nội tại của nền kinh tế nước ta, tránh lạm phát và suy thoái chu kỳ.

Đảm bảo các cân đối lớn, không để nợ chính sách, nhất là các chính sách cho vùng dân tộc và đồng bào dân tộc; tăng cường nguồn lực thêm cho các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như một số vấn đề mới nảy sinh. Kiên trì đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu lại nền kinh tế trọng tâm là 3 lĩnh vực; thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược (xây dựng kết cấu hạn tầng, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).

Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến thảo luận, UBTVQH giao Uỷ ban Kinh tế chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết đánh giá 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế- xã hội, cơ cấu lại nền kinh thế, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện chính sách dân tộc miền núi, có phần đánh giá về năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019 để trình Quốc hội thảo luận, thông qua.

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
Khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội