Cần giúp doanh nghiệp được “qua sông” mà không phải “lụy đò”

(BKTO) - Phỏng vấn ông Trần Mạnh Hùng - Luật sư điều hành đồng thời là Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN (liên minh với Baker McKenzie)



Thưa ông, là luật sư từng “se duyên” cho rất nhiều DN FDI đến với Việt Nam, ông có thể đưa ra một vài đánh giá khách quan về tầm vóc của những gương mặt FDI nổi bật trong 30 năm qua?

- Trong 30 năm kể từ ngày thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tích phát triển kinh tế rất đáng ghi nhận. Một trong những nhân tố quyết định giúp cho sự phát triển vượt bậc chính là sự tham gia và đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài. Rất nhiều tập đoàn quốc tế, các công ty đa quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam, trong số đó có thể kể đến những cái tên nổi bật như: Microsoft, Coca-cola, Intel, Samsung, LG, Nokia, General Motors. Những nhà đầu tư này đều là những tập đoàn hàng đầu thế giới về quy mô, công nghệ, quản trị con người và việc họ quyết định đầu tư vào Việt Nam cho thấy sự đánh giá cao của các nhà đầu tư quốc tế về tiềm năng phát triển của Việt Nam cũng như là sự hiệu quả trong việc thực hiện chính sách hội nhập mở cửa của Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua.

         
   
Ông Trần Mạnh Hùng
   
Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ban hành năm 1987 có hiệu lực, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực hiện trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau như: sản xuất, bất động sản, thương mại, dịch vụ... Cá nhân tôi rất ấn tượng với sự thành công của những dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử sử dụng công nghệ cao, hay gần đây nhất là xu hướng của các dự án đầu tư vào các ngành dịch vụ sử dụng nền tảng internet. Những dự án này không chỉ đòi hỏi các nhà đầu tư phải có sự đầu tư rất lớn về nghiên cứu, phát triển (R&D) và con người, mà còn là cơ hội cần thiết để Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm từ các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp cận được các nguồn công nghệ mới để có sự chuẩn bị tốt hơn trong kỷ nguyên của nền cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong quá trình kết nối cho các DN FDI, ông thấy các khách hàng của mình đánh giá thế nào về những điều kiện kinh doanh mà Việt Nam đang dành cho họ?

- Là một trong những công ty luật quốc tế có mặt sớm nhất tại Việt Nam, kể từ năm 1993, Baker McKenzie đã thực hiện tư vấn cho rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, hầu hết các khách hàng của chúng tôi đều có chung một nhận định rằng Chính phủ Việt Nam đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện nhiều cải cách tích cực về quy định pháp luật và điều kiện kinh doanh nhằm kêu gọi nhiều hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Sự thay đổi về pháp luật và điều kiện kinh doanh được thể hiện rõ nhất qua rất nhiều lần sửa đổi, thay thế các quy định đầu tư nước ngoài tại Việt Nam kể từ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ban hành năm 1987 cho đến gần đây nhất là Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi bổ sung năm 2016).

Bên cạnh sự thay đổi tích cực về cắt giảm các điều kiện kinh doanh áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài, một số quy định về điều kiện kinh doanh hiện nay cần có tính thực tế cao hơn. Trong bối cảnh Việt Nam cần thu hút thêm rất nhiều nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài, các điều kiện kinh doanh không phù hợp với thực tiễn và tập quán quốc tế nên bị bãi bỏ một cách quyết liệt hơn.

Theo ông, độ mở chính sách ưu đãi của Việt Nam đang ở mức độ nào, chúng ta có cần nới room cải cách để thu hút thêm đầu tư từ FDI hay không?

- Cá nhân tôi nhận thấy, các chính sách ưu đãi đầu tư và mở cửa thị trường của Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là rất hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Nếu như 30 năm trước đây, Việt Nam là một trong những quốc gia chưa có sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài thì cho tới nay, chúng ta được xem là một trong những quốc gia có thị trường đầu tư hấp dẫn nhất thế giới. Thậm chí đang có xu hướng các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch các cơ hội đầu tư từ các thị trường truyền thống lâu năm (ví dụ Trung Quốc) để hướng đến các quốc gia Đông Nam Á năng động có dân số trẻ hơn; trong đó, Việt Nam là lựa chọn ưu tiên hàng đầu bởi chính sách ưu đãi đầu tư toàn diện về thuế (Việt Nam là quốc gia có mức thuế thu nhập DN thấp thứ hai Đông Nam Á, chỉ cao hơn Singapore) và các ưu đãi hấp dẫn khác về thuê cơ sở hạ tầng. Việc tăng thêm các ưu đãi đầu tư theo tôi là vẫn cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi cần được cân nhắc kỹ hơn trong việc hài hoà lợi ích giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Về mở cửa thị trường, Việt Nam hiện nay cũng đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia hầu hết vào các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhiều ngành nghề kinh doanh rất quan trọng như: bán lẻ, y tế, giáo dục... Mức độ mở cửa thị trường Việt Nam hiện nay đang được xem là khá phù hợp so với thực tiễn thế giới và tuân thủ đúng các cam kết quốc tế của Việt Nam từ trước tới nay. Do đó, việc nâng cao hơn nữa về mức độ mở cửa thị trường chỉ nên được tính đến trong trường hợp cần thiết cho nền kinh tế và Chính phủ Việt Nam nên có quan điểm thận trọng về vấn đề này.

Ông có thể chia sẻ những suy nghĩ cũng như ứng xử của mình trong trường hợp khách hàng không quyết định đầu tư ở Việt Nam?

- Là một luật sư Việt Nam làm việc lâu năm tại một trong những hãng luật lớn nhất toàn cầu, cá nhân tôi thực sự cũng cảm thấy băn khoăn khi một nhà đầu tư nước ngoài không quyết định đầu tư tại Việt Nam. Băn khoăn bởi, Việt Nam đã có những chính sách cực kỳ ưu đãi và có lợi thế vượt trội so với các quốc gia khác trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng dĩ nhiên là các chính sách đó không thể làm hài lòng tất cả và mọi nhà đầu tư. Trong những trường hợp như vậy, tôi luôn cố gắng giải thích cho khách hàng hiểu về các ưu điểm trong chính sách đầu tư của Việt Nam, cũng như tư vấn để khách hàng tự điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kế hoạch kinh doanh của mình nhằm phù hợp hơn với một số quy định nhất định của Việt Nam.

Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trong Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gần đây, Việt Nam luôn hoan nghênh dòng vốn đầu tư nước ngoài và khu vực FDI là bộ phận không thể tách rời với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đã đến lúc cần có sự lựa chọn kỹ hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, những nhà đầu tư nước ngoài phải mang lại lợi ích thiết thực và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế địa phương. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài cần ý thức được yêu cầu đặt ra cao hơn của Chính phủ Việt Nam trong thời kỳ hiện nay, để từ đó đưa ra một kế hoạch đầu tư tối ưu hơn, đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của nhà đầu tư và chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam.

Mặt khác, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền phải có những biện pháp thích đáng nhằm tạo cho các DN trong nước hoạt động hiệu quả. Thực tế “sức khoẻ” của các DN trong nước thể hiện “sức khoẻ” của một nền kinh tế. Các DN trong nước phải thực sự là một chuỗi kết nối hiệu quả với các DN FDI. Muốn làm được như vậy, việc kiểm soát tham nhũng cần được triệt để và minh bạch hơn, giúp cho DN được hoạt động một cách lành mạnh. Để kết thúc, tôi xin phép chia sẻ tâm sự của các doanh nhân trong nước rằng: Nhiều khi họ muốn làm đúng luật, muốn minh bạch, nhưng muốn qua sông thì phải “lụy đò”. Nếu Chính phủ giúp họ được “qua sông”, để sống khoẻ, mà không phải “lụy đò” thì đó là liều thuốc tốt nhất giúp nền kinh tế tư nhân phát triển, sánh bước cùng các DN FDI.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

ĐINH HIỀN (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 11-10-2018
Cùng chuyên mục
Cần giúp doanh nghiệp được “qua sông” mà không phải “lụy đò”