Đồng chủ trì Hội nghị có Chánh án Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia Chiv Keng; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lào Viêng Thoong Sỉ-Phăn-Đon.
Tham dự Hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, Lãnh đạo 3 Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số lãnh đạo Tòa án địa phương; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án các tỉnh giáp biên của 3 nước Việt Nam, Campuchia, Lào.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam khẳng định mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, gắn bó và tin cậy chính trị giữa 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam là di sản vô giá đối với cả 3 dân tộc, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của 3 nước.
Việc thành lập và duy trì cơ chế Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới 3 nước là mốc son trong lịch sử hợp tác, đặc biệt đối với lĩnh vực tư pháp, đánh dấu sự nâng tầm hợp tác giữa hệ thống tư pháp 3 nước. Qua đó, mối quan hệ hợp tác tư pháp song phương, đa phương giữa 3 nước đã được củng cố và nâng tầm, nổi bật là sự phối hợp, liên kết chặt chẽ của hệ thống Tòa án ở tất cả các cấp, hơn cả là mối quan hệ gắn bó của các Tòa cấp tỉnh trên khu vực biên giới.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho rằng Hội nghị là cơ hội để Tòa án các tỉnh giáp biên đánh giá sâu hơn những thành tựu đã đạt được, một số khó khăn và trao đổi thêm về cách thức, phương pháp hợp tác, đồng thời là cơ hội để hệ thống Tòa án 3 nước tăng cường giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết và hữu nghị.
“Việc duy trì và phát huy hiệu quả của cơ chế Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới 3 nước đã, đang và sẽ là cách thức tối ưu nhất để hệ thống Tòa án, đặc biệt là Tòa án cấp tỉnh tiếp tục trau dồi, nâng cao năng lực nghiệp vụ trong bối cảnh mới. Mở rộng hơn, hợp tác tư pháp Campuchia - Lào - Việt Nam của chúng ta hiện nay đang góp phần tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng Mekong”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh thêm.
Chánh án Tòa án tối cao hai nước Lào và Campuchia cũng đánh giá Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là dịp tốt để cùng nhau trao đổi, bàn bạc các nhiệm vụ phù hợp với thời đại hội nhập, nhằm đấu tranh, ngăn chặn tội phạm dọc biên giới, xuyên biên giới và các hợp tác tư pháp khác…
Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao hai nước hy vọng Hội nghị sẽ cung cấp những ý tưởng mới tốt đẹp cho mục tiêu chung của 3 nước hợp tác trong lĩnh vực tòa án, bao gồm cả cuộc chiến chống tội phạm biên giới và các phương pháp giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại xuyên biên giới vì hòa bình và sự tiến bộ của con người và xã hội của các nước.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam đánh giá cao nội dung và chương trình làm việc của Hội nghị, tin tưởng rằng kết quả của Hội nghị sẽ tăng cường sự hợp tác giữa Tòa án 3 nước nói chung cũng như giữa Tòa án các tỉnh biên giới nói riêng.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam bày tỏ mong muốn thời gian đến Tòa án 3 nước nói chung cũng như Tòa án các tỉnh biên giới nói riêng tiếp tục chia sẻ những cách làm hay, những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử và hoạt động quản lý Tòa án mà 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia cùng quan tâm…
Theo chương trình, Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 18-19/7, các bên cùng tập trung thảo luận về 4 chủ đề quan trọng, gồm: Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Thông cáo chung Hội nghị lần thứ sáu năm 2022; Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xét xử các tội phạm có yếu tố nước ngoài; Tăng cường tương trợ tư pháp giữa Tòa án 3 nước; Chia sẻ kinh nghiệm về cải cách tư pháp, đặc biệt là một số điển hình, hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án.
Tại Hội nghị này, Chánh án Tòa án tối cao 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào sẽ ký Thông cáo chung lần thứ 7 thống nhất các nội dung đã thảo luận tại Hội nghị, đề ra phương hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, hoạt động ủy thác tư pháp và tương trợ tư pháp giữa Tòa án 3 nước./.