Quang cảnh Hội thảo |
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có các đại biểu đến từ các cơ quan của Quốc hội gồm ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Lê Văn Khảm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, bà Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại, ông Trần Đức Thuận - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng ban Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hoàng Quang Hàm - Trợ lý Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Tham dự Hội thảo còn có các đại biểu đến từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các bệnh viện Trung ương, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học.
Về phía KTNN, có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung, các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ; các đơn vị kiểm toán và các bộ phận, cá nhân có liên quan.
Ban Chủ tọa Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, Hội thảo sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn và phương thức tổ chức cuộc kiểm toán. Trong đó, trọng tâm là về nội dung kiểm toán.
Thứ nhất, về huy động các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, đây là nội dung hết sức quan trọng bởi nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 rất đa dạng và phong phú như từ NSNN (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương); kinh phí và quỹ của các cơ sở y tế; nguồn viện trợ và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu từ dịch vụ xét nghiệm; sự đóng góp của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, chính sách thuế (miễn, giảm, gia hạn thuế…), chính sách tín dụng (giảm lãi, kéo dài thời gian trả nợ, gia hạn, giữ nguyên nhóm nợ…).
“Vì vậy, để giúp cho KTNN xác định đúng và chính xác các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, đề nghị các đại biểu, tập trung cho ý kiến về việc xác định các nguồn viện trợ, tài trợ bằng hiện vật; thu từ dịch vụ xét nghiệm; chính sách thuế và chính sách tín dụng, cũng như việc sử dụng các nguồn lực từ các cơ sở khám chữa bệnh trong bối cảnh hầu hết các đơn vị đều thực hiện tự chủ về tài chính trong khi nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh trong năm 2020 và năm 2021 bị sụt giảm nhiều…” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa phát biểu khai mạc Hội thảo |
Thứ hai, về sử dụng các nguồn lực, đây là nội dung quan trọng nhất của cuộc kiểm toán chuyên đề này, bởi có rất nhiều chính sách, khoản chi của Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương dành cho các lực lượng như chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch (y, bác sĩ, quân đội, công an, tình nguyện viên…); chính sách đối với bệnh nhân được điều trị, người bị cách ly y tế; chính sách đối với người lao động; chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với lực lượng sản xuất và lưu thông hàng hóa; các đơn vị sử dụng người lao động.
“Vì vậy, đề nghị các đại biểu so sánh, phân tích và cho ý kiến về những khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý và hồ sơ thanh, quyết toán, nhất là việc thực hiện các khoản chi và các chính sách trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa nhấn mạnh.
Thứ ba, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh, quyết toán chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến…
Thứ tư, khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật, nhất là các phương tiện phòng, chống dịch như vắc xin, phương tiện vận tải, máy thở, ôxy và các trang thiết bị y tế khác…
Hội thảo thu hútđôngđảo cácđại biểu tham dự |
Thứ năm, việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm.
Thứ sáu, khó khăn vướng mắc trong việc thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh thông thường và khám chữa bệnh cho người bệnh mắc Covid-19. Mặc dù tại tiết b khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép “trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn… thì được NSNN chi trả”.
Tiếp đó, Hội thảo đã lắng nghe các ý kiến phát biểu, tham luận của các đại biểu về cơ chế tài chính và những khó khăn, vướng mắc trong sử dụng, thanh quyết toán các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch; cơ chế chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; cơ chế hỗ trợ DN về thuế và các khoản thu ngân sách trong phòng, chống dịch; kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch và những vấn đề đặt ra...
Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc những nội dung quan trọng của Hội thảo này.
Cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ” là một trong những nội dung trọng tâm của Kế hoạch kiểm toán 2022 của KTNN, phục vụ hoạt động giám sát và việc tham gia của KTNN vào hoạt động giám sát của Quốc hội. |