Tham dự khai mạc Kỳ họp còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố; các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tham dự Kỳ họp.
Đánh giá sát thực, khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong 22 ngày (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 28/11), Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, trong đó có phương án cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024.
Quốc hội sẽ xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 -2026; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, Tờ trình của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội để phân tích, đánh giá sát thực, khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được; chỉ rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém hoặc bất cập; nguyên nhân khách quan và chủ quan; đồng thời, đề xuất, hiến kế các giải pháp nhằm đạt được kết quả cao nhất của năm 2023.
Cùng với đó, xem xét, quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024 gắn với các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xem xét kết quả việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết quả rà soát hệ thống pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV.
Tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, kỹ lưỡng trong hoàn thiện các dự án luật
Đối với công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi); cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Để chuẩn bị các nội dung về công tác lập pháp, nhất là các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này, ngay sau Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4, nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động, lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Để đảm bảo chất lượng các dự án luật và dự thảo nghị quyết dự kiến thông qua tại Kỳ họp này, giữa 02 đợt của Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp.
Đối với các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến về hồ sơ các dự án luật; đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc ngay từ đầu để các cơ quan có thời gian chỉnh lý, bảo đảm chất lượng cao nhất khi xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.
Đánh giá công tâm, khách quan, chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023; thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đồng thời, lần đầu tiên kể từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Căn cứ báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023, các nguyên nhân khách quan, chủ quan; từ đó, ban hành nghị quyết về giám sát với các kiến nghị, giải pháp khả thi, thiết thực để đẩy nhanh tiến độ và thực hiện hiệu quả các chương trình trong thời gian tới.
Việc chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp sẽ được tổ chức trong 2,5 ngày; tập trung vào việc thực hiện các lời hứa, cam kết và yêu cầu của Quốc hội đối với Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, theo phương châm coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát - Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
“Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nêu rõ khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 6 rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng vị đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò và trọng trách của người đại biểu nhân dân; đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; phát huy tinh thần dân chủ đối với từng nội dung của kỳ họp.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này.