Khai mở tiềm năng tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do

(BKTO) - Không ai có thể phủ nhận những tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới với nhiều cam kết nổi trội, vượt bậc, trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Tuy nhiên, trước dư địa và tiềm năng to lớn của việc mở rộng hoạt động thương mại, đầu tư với các nước đã có FTA, các chuyên gia khuyến nghị, cần phải có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mang tính chuyên sâu, theo từng FTA cụ thể.

11.jpg
Phần lớn DN tận dụng được một cách hiệu quả nhất những ưu đãi từ các FTA là các DN FDI. Ảnh minh họa

Động lực quan trọng cho xuất nhập khẩu và thu hút FDI

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một trong số 3 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia. Sau khoảng 5 năm thực thi, Hiệp định với nhiều cam kết nổi trội này không chỉ giúp hàng hóa Việt Nam gia tăng hiện diện tại nhiều thị trường mới, khó mà còn thúc đẩy DN gia nhập chuỗi cung ứng của các DN FDI…

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước tham gia Hiệp định CPTPP tiếp tục ghi dấu ấn. Chỉ trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt hơn 76 tỷ USD, tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, mang lại thặng dư thương mại khoảng 6,6 tỷ USD cho phía Việt Nam.

Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, sau khi có hiệu lực, CPTPP đã mang lại những lợi ích rất tích cực đối với xuất nhập khẩu. hàng hóa của Việt Nam ngày càng gia tăng tại nhiều thị trường mới mà trước đây khi chưa có Hiệp định thì chưa thâm nhập được hoặc xuất hiện rất hạn chế.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - cũng chia sẻ, nhờ tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) và CPTPP, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đã đạt 9,1 tỷ USD trong năm 2023. Ước tính 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 25,1%, nhập khẩu ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 10,7%.

Trước mắt, Bộ Công Thương xây dựng hệ sinh thái tận dụng các FTA tập trung vào 6 ngành dệt may, da giày, thủy sản, cà phê, quế, điều thông qua việc kết nối các chủ thể liên quan vào một hệ sinh thái và tận dụng tối đa sức mạnh của từng chủ thể cùng thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm tận dụng tối đa các FTA.

Ông Ngô Chung Khanh
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

Singapore hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khu vực ASEAN và đối tác thương mại thứ 14 của Việt Nam trên thế giới, đồng thời là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, theo số liệu thống kê của phía Singapore, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 4 của Singapore trong ASEAN và đối tác thương mại thứ 11 của Singapore trên thế giới - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết.

Đáng chú ý, CPTPP còn giúp các DN FDI thuộc nước thành viên của Hiệp định tích cực tiếp cận thị trường Việt Nam để tận dụng các cơ hội từ Hiệp định này, tiêu biểu trong số đó có Singapore, Nhật Bản… “Khi nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam để tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định FTA, DN Việt càng có thêm cơ hội trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất, cung ứng của DN FDI” - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái đánh giá.  

Tuy nhiên, chia sẻ một thực tế tại Tọa đàm “Gia nhập chuỗi cung ứng của DN FDI - Tăng hiệu quả tận dụng CPTPP” diễn ra mới đây, các chuyên gia chỉ ra rằng, quá trình thực thi Hiệp định CPTPP cho thấy, phần lớn DN tận dụng được một cách hiệu quả nhất những ưu đãi từ các FTA là các DN FDI. Điển hình trong số đó là những DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh máy tính, linh kiện điện tử, giày dép, dệt may… Còn những DN sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản là những mặt hàng thế mạnh của DN Việt Nam thì mức độ tận dụng còn tương đối hạn chế.  

Cần những biện pháp hỗ trợ chuyên sâu, cụ thể

Vấn đề tiếp theo được các chuyên gia chỉ ra, mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, nhưng tỷ trọng hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường CPTPP còn hạn chế. Không riêng gì tại các nước thành viên CPTPP mà cả những FTA thế hệ mới khác như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), tỷ trọng hàng hóa của Việt Nam cũng chỉ dưới 10%. Tại những thị trường lớn trong CPTPP như Mexico và Canada, tỷ trọng hàng hóa của Việt Nam chỉ dưới 2% và tỷ lệ tận dụng ưu đãi theo Hiệp định CPTPP của các DN Việt năm 2022 chỉ khoảng gần 5%. Do đó, theo các chuyên gia, dư địa để khai thác các thị trường thành viên của FTA thế hệ mới còn rất lớn, nhưng về phía các DN Việt Nam cần phải cải thiện chất lượng, mẫu mã, tuân thủ các quy tắc xuất xứ hàng hóa hay các yêu cầu khác của các thị trường để tăng cơ hội thâm nhập thị trường, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Muốn vậy, thay vì những giải pháp hỗ trợ mang tính chất đa ngành, toàn diện như thời gian qua, cần phải có những biện pháp hỗ trợ sâu hơn, cụ thể hơn đối với từng ngành hàng, DN để nâng cao hiệu quả tận dụng các FTA - ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh. Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng một hệ sinh thái tận dụng FTA. Tư duy xuyên suốt của hệ sinh thái này là kết nối tất cả các chủ thể có liên quan trong chuỗi giá trị. Đơn cử, đối với ngành thủy sản, cần phải kết nối người nông dân nuôi trồng thủy sản đến các công ty thu mua, công ty chế biến, kết nối với các tổ chức tín dụng, logistics và kết nối với Bộ, ngành, địa phương.

Từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN cho biết, triển khai Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, thời gian qua, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cho DN, trong đó có những nội dung hỗ trợ phát triển năng lực xuất khẩu thông qua đào tạo, tư vấn, nâng cấp DN. Chẳng hạn, Bộ đã cử chuyên gia tư vấn, đánh giá về những điểm mạnh, điểm yếu tại DN, sau đó giúp DN xây dựng lại các kế hoạch kinh doanh, định hướng chiến lược phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, khai mở những thị trường ngách và cách thức hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các FTA./.  

Cùng chuyên mục
Khai mở tiềm năng tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do