Khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương

(BKTO) - Đây là nội dung trong Thông báo số 139/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 đã được giao tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 và Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Quán triệt, đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Tăng cường tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về nội dung, yêu cầu và những định hướng trong tổ chức thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Về hoàn thiện các cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trung ương có liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các văn bản theo đúng quy định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong tháng 5/2022 với mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, không chồng chéo với các chương trình, dự án khác, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, NSNN và các quy định của pháp luật có liên quan.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương ban hành kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo các địa phương lồng ghép các nguồn vốn ngân sách trung ương được giao của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã được giao theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn các xã, huyện khó khăn.

Các Bộ, cơ quan trung ương theo thẩm quyền được phân công chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện trong tháng 5/2022, bảo đảm theo đúng quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý đầu tư công, quản lý NSNN và các quy định có liên quan.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chủ động hơn nữa trong công tác cụ thể hóa các cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã được ban hành; khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 của địa phương; chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và các quy định của pháp luật hiện hành; rà soát, trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên phạm vi địa bàn quản lý.

Về phân bổ và huy động nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho Bộ, ngành trung ương, địa phương để thực hiện, ngay sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp để ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn NSNN các cấp, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các nguồn vốn xã hội hóa của các DN và nguồn vốn đóng góp tự nguyện của người dân…/.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương