Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: VPQH |
Khoảng 2,1 triệu đồng bào dân tộc thiểu số không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế
Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, tại báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHYT có nêu: số người tham gia BHYT tại một số nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT giảm, nguyên nhân là do Quyết định 86/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, có khoảng 2,1 triệu người là đồng bào vùng dân tộc thiểu số không tiếp tục tham gia đóng BHYT (trước đây được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT), do thoát khỏi huyện nghèo, người đồng bào vùng dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn khu vực II, khu vực III giai đoạn 2021-2025.
Từ phản ánh trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện rà soát kỹ lưỡng, chính xác, có đánh giá chi tiết, cụ thể vấn đề này.
“Cần có đánh giá chi tiết cụ thể để thấy được người dân khu vực III, khu vực II giờ là khu vực I cuộc sống đã thật sự hết nghèo, hết khó chưa? Nhà nước không cần hỗ trợ để mua thẻ BHYT, người dân có thể tự đóng BHYT, tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho một lượt khám ngoại trú là 500.000 đồng, một lượt nội trú là 4 triệu đồng hay không?” – đại biểu kiến nghị.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách hỗ trợ mua BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được Thủ tướng kết luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, số người tham gia BHYT từ năm 2017 đến năm 2020 hằng năm đều tăng khoảng trên 2 triệu người, bình quân tăng khoảng 3% một năm. Tuy nhiên, từ năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chính sách mua thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861 và người dân sinh sống tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 353/2022/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã làm sụt giảm số người tham gia BHYT.
Một số địa phương có số người tham gia BHYT giảm sâu như: Đắk Lắk giảm 225,5 nghìn người, trong đó có 194,6 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Sóc Trăng giảm 309,5 nghìn người, trong đó có 200 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Trà Vinh giảm 243,6 nghìn người tham gia, trong đó có 93,8 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Sơn La giảm 180 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số; Thanh Hóa giảm 183,3 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số…
Sẽ sớm điều chỉnh để tháo gỡ
Để tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn, duy trì chính sách BHYT bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, BHXH Việt Nam đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục có chính sách đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người dân thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 và đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 nêu trên (tính đến nay còn khoảng 2,65 triệu người trong số 3,1 triệu người nêu trên chưa được tham gia BHYT).
Giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo Quyết định số 861 thì các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với các xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
Trong quá trình triển khai thực hiện thì các chính sách liên quan đến BHYT của người dân tại khu vực này bị ảnh hưởng. Nhận thức được khó khăn, vướng mắc này của người dân, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành rà soát những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đến thời điểm này những nội dung vướng mắc liên quan tới việc thực hiện chế độ BHYT đối với người dân trong Quyết định 861 đã được tổng hợp, điều chỉnh, cùng với việc triển khai thực hiện Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Đối với việc mua thẻ BHYT cho nhân dân của các xã vùng ATK thì những nội dung vướng mắc liên quan đã được Chính phủ chỉ đạo và đưa vào Nghị định 146/2018/NĐ-CP sửa đổi.
“Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành sửa đổi Nghị định 146 và hiện nay Nghị định này đang được gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định sửa đổi này thì những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách BHYT sẽ được tháo gỡ trong thực tiễn” – Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ./.