Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Đăng Khoa
Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh, việc đưa các dự án mới vào Chương trình cần tuân thủ nguyên tắc: Ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội; cụ thể hóa Hiến pháp; đảm bảo phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội (nhưng phải đảm bảo hồ sơ theo quy định). Những dự án đưa vào Chương trình phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hiện nay còn ít nhất 8 dự án luật theo yêu cầu của Trung ương cần được nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thành trong năm 2019 gồm: Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật KTNN; Luật Công đoàn; Luật Công an nhân dân; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cần dự kiến thời gian vật chất cho các dự án này.
Theo đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ, KTNN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo thêm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về tình hình chuẩn bị, nội dung, tiến độ xây dựng dự án luật được cơ quan có thẩm quyền giao; báo cáo cụ thể về dự kiến thời điểm sẽ trình Quốc hội các nội dung này.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, KTNN khẩn trương chỉ đạo sát sao việc chuẩn bị các dự án cần được ban hành theo Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14 ngày 18/01/2018, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật và các ủy ban có liên quan của Quốc hội sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ủy ban được giao thẩm tra dự án sau khi được đưa vào Chương trình để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8 đảm bảo các dự án luật được thông qua chậm nhất tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, theo đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chương trình năm 2018 sau khi điều chỉnh là: Tại Kỳ họp thứ 5, trình Quốc hội thông qua 9 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến 11 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 6, trình Quốc hội thông qua 15 luật và cho ý kiến 5 dự án luật; đồng thời bổ sung Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Về dự kiến Chương trình năm 2019 sẽ gồm 15 dự án luật và 1 Nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 5 luật (đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6) và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua 7 luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, cho ý kiến 3 dự án luật. |
Đ. KHOA