Khẩn trương đưa Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước vào cuộc sống

Chiều 12/4, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đồng chủ trì Hội nghị.

281a9931.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.Lộc

Dự Hội nghị có đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính.

Về phía KTNN có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị tham mưu của KTNN; các tập thể, cá nhân được khen thưởng.

Dự án Pháp lệnh được chú trọng xây dựng từ sớm, đạt sự thống nhất cao

Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (Pháp lệnh), Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, để triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, KTNN đã ban hành Kế hoạch số 918/KH-KTNN, ngày 17/5/2021 và thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc nghiên cứu, tham mưu xây dựng Dự án Pháp lệnh.

Ngày 22/3/2022 Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định thành lập Ban Soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Pháp lệnh. Các bộ phận được giao nhiệm vụ nhanh chóng triển khai xây dựng Pháp lệnh, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tổng Kiểm toán nhà nước.

281a9918.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh báo cáo về tình hình triển khai xây dựng Pháp lệnh. Ảnh: N.Lộc

Sau khi Dự án Pháp lệnh được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp tổ chức nhiều cuộc họp để tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra, ý kiến góp ý của Chính phủ, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã đạt được sự thống nhất cao về các nội dung của dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

“Trong quá trình xây dựng Dự án Pháp lệnh, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tiến hành tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực KTNN và đánh giá tác động của chính sách; xây dựng Dự án Pháp lệnh đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết. 

Ngày 28/2/2023, Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, phiên họp thứ 20 thông qua; Pháp lệnh được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 10/3/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2023.

Pháp lệnh gồm 5 chương, 21 điều quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong lĩnh vực KTNN. 

Đưa Pháp lệnh vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng của KTNN

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong những năm qua, KTNN có đóng góp rất lớn vào công tác giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính công, tài sản công, cũng như đóng góp vào kết quả công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Rất nhiều nhiệm vụ công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có sự đóng góp của KTNN; điển hình như các Đoàn giám sát của Quốc hội đều có sự tham gia của KTNN” - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực đổi mới trong công tác của KTNN, trong đó có công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Ngành.

Đề cập đến Dự án Pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Dự án Pháp lệnh trong quá trình xây dựng cho đến khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đã nhận được sự phối hợp tích cực của các cơ quan của Quốc hội, cũng như nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các Bộ, ngành và các ý kiến tham gia góp ý. 

Lưu ý công tác phối hợp là bài học kinh nghiệm đáng quý được rút ra qua công tác xây dựng Dự án Pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN cần tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan của Quốc hội trong các nhiệm vụ công tác tiếp theo. "Các cơ quan của Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với KTNN, hướng đến hoàn thành tốt nhiệm vụ của các cơ quan" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

281a9946.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.Lộc

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trân trọng cảm ơn lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng các cơ quan của Quốc hội và các Bộ, ngành chức năng đã phối hợp, hỗ trợ KTNN hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Pháp lệnh.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Pháp lệnh, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết KTNN đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng Pháp lệnh. Trong quá trình triển khai xây dựng, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đánh giá tác động của chính sách; xây dựng Dự án Pháp lệnh đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đề ra.

281a9965.jpg
KTNN đã tổ chức trao tặng Bằng khen của Tổng Kiểm toán nhà nước cho 2 tập thể và 16 cá nhân có thành tích trong xây dựng Dự án Pháp lệnh. Ảnh: N.Lộc

“Việc ban hành Pháp lệnh là bước tiến quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh; đồng thời cho biết KTNN đang tích cực triển khai kế hoạch đưa Pháp lệnh vào cuộc sống, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Nhân dịp này, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp tốt với KTNN trong mọi hoạt động công tác, trong đó có công tác triển khai thi hành Pháp lệnh, từ đó góp phần hỗ trợ hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng cơ quan.

Cùng chuyên mục
Khẩn trương đưa Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước vào cuộc sống