Tích cực học tập kinh nghiệm từ các SAI
Sau khi cử các chuyên gia của KTNN sang học tập kinh nghiệm của KTNN Trung Quốc (CNAO), TS. Lê Anh Vũ - Trưởng phòng Kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT), KTNN chuyên ngành VII, Phó trưởng Nhóm công tác về ứng dụng CNTT của KTNN - cho biết, cách tiếp cận của CNAO bài bản và có mục tiêu rất cụ thể. Trong xu hướng chuyển đổi số quốc gia, CNAO phải thực hiện được 5 nhiệm vụ. Thứ nhất, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản lý và năng lực quản lý nhà nước. Thứ hai, thúc đẩy và chia sẻ việc ứng dụng dữ liệu lớn của khu vực công. Như vậy, CNAO nhấn mạnh đến yếu tố dữ liệu ngay từ nhiệm vụ thứ hai. Thứ ba, CNAO coi CNTT là yếu tố chiến lược giúp cho CNAO trở nên khác biệt. Thứ tư, họ phải tích cực giải quyết các thách thức trong quá trình triển khai kiểm toán dữ liệu lớn. Thứ năm, để triển khai kiểm toán CNTT và kiểm toán dữ liệu công, CNAO rất coi trọng việc chia sẻ kiến thức về kiểm toán dữ liệu lớn, từ dữ liệu có thể rút ra được những kiến thức gì và những kiến thức đó phải được lan tỏa trong toàn Ngành.
CNAO tin tưởng rằng, từ kiểm toán CNTT, CNAO sẽ tạo ra 3 chuyển biến lớn. Một là, chuyển biến từ kiểm toán chọn mẫu sang kiểm toán toàn diện đối tượng. Trung Quốc rất coi trọng yếu tố “toàn diện”, đã là kiểm toán dữ liệu lớn nghĩa là phải quản lý được tất cả các đối tượng, phải có đủ thông tin. Hai là, chuyển biến từ kiểm toán sau vụ việc sang kiểm toán trong quá trình xảy ra, thậm chí là trước khi xảy ra vụ việc. Ba là, chuyển từ kiểm toán cục bộ, vi mô sang kiểm toán phạm vi toàn cục và vĩ mô. Nếu làm được những việc này, CNAO sẽ tạo ra được 3 đột phá, gồm: Đột phá về nguồn lực; đột phá trong tầm nhìn; đột phá về thời gian và không gian.
Học tập kinh nghiệm từ CNAO, KTNN Việt Nam xác định 3 nội dung công việc chính cần triển khai: Liên tục hoàn thiện môi trường chính sách kiểm toán dữ liệu lớn; kiện toàn bộ máy làm việc và cung cấp bảo đảm về nguồn nhân lực; xây dựng phần mềm quản lý và hỗ trợ hoạt động kiểm toán.
Kết nối dữ liệu đóng vai trò quan trọng
Chia sẻ kinh nghiệm học tập từ Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI), TS. Lê Anh Vũ nêu rõ, điểm nổi trội là BAI gắn quá trình kiểm toán CNTT với kiểm toán dữ liệu lớn và chuyển đổi số quốc gia, cụ thể là sự phát triển của Chính phủ điện tử. Có nghĩa Chính phủ điện tử kết nối đến đâu thì KTNN sẽ lần theo hệ thống dữ liệu tập trung đến đó, các cơ quan trao đổi với nhau về dữ liệu nào thì KTNN sẽ lần theo việc trao đổi đó để yêu cầu các đơn vị phải cung cấp dữ liệu. Hệ thống của BAI tương đối gọn nhẹ, chỉ gồm hệ thống hỗ trợ kiểm toán thông minh và hệ thống số hóa hồ sơ kiểm toán. Những vấn đề liên quan đến quản lý họ sẽ gom lại thành một hệ thống, vấn đề liên quan đến kiểm toán dữ liệu họ sẽ lấy từ các Bộ, ban, ngành gửi sang để gom vào một hệ thống. Ngoài ra, họ thu thập thêm thông tin từ internet thông qua 1 trung tâm phân tích dữ liệu riêng.
Cụ thể, thành công nổi bật của BAI là ứng dụng BARON (hệ thống kiểm toán và thanh tra dựa trên quan sát và quy tắc) trong phân tích dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm toán. Tính đến năm 2020, BARON đã phân loại dữ liệu thành 653 loại khác nhau cho mục đích kiểm toán và lưu trữ dữ liệu. Trong đó, các nguồn dữ liệu chính gồm: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, đầu tư của Chính phủ, tài chính công, giấy phép lái xe, giáo dục, bản đồ… Do có nhiều loại dữ liệu khác nhau từ các tổ chức, cơ quan khác nhau nên kiểm toán viên không thể truy cập tất cả dữ liệu cần thiết. Để giải quyết vấn đề này, BAI đã liên kết BARON với dữ liệu được lưu trữ trong hệ thống quản lý dữ liệu dùng chung của Chính phủ, bao gồm 2.921 hệ thống thông tin và 451.200 cơ sở dữ liệu. Cải tiến này cho phép kiểm toán viên tìm kiếm danh sách dữ liệu kỹ thuật số theo tổ chức và yêu cầu đối tượng được kiểm toán gửi cho KTNN bất kỳ dữ liệu nào không thể truy xuất được từ hệ thống của đơn vị, sau đó, dữ liệu sẽ được chuyển cho kiểm toán viên.
Theo đó, bài học rút ra cho KTNN Việt Nam, một mặt cần nghiên cứu, triển khai Hướng dẫn 2020 của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), mặt khác tích cực học hỏi, nghiên cứu kỹ lưỡng các kinh nghiệm thành công của các SAI trên thế giới về mô hình phân tích dữ liệu trong kiểm toán lĩnh vực công, mà trước mắt là vận dụng phân tích dữ liệu trong kiểm toán lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trên cơ sở những kết quả đạt được sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm để mở rộng cho các lĩnh vực kiểm toán khác.
KTNN cần triển khai chương trình đào tạo kỹ năng phân tích dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm toán cho kiểm toán viên và từng bước triển khai phân tích dữ liệu trong hoạt động kiểm toán dựa trên các thông lệ tốt của quốc tế.
KTNN cần xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống CNTT và cơ sở dữ liệu của khu vực công làm tiền đề để tiến hành kiểm toán dữ liệu tại KTNN. Đồng thời phải kết hợp kiểm toán CNTT các hệ thống và cơ sở dữ liệu này để cập nhật, duy trì cơ sở dữ liệu. Bởi theo kinh nghiệm của CNAO và BAI trước khi tiến hành xây dựng dữ liệu lớn đều hướng trọng tâm vào xây dựng cơ sở dữ liệu của khu vực công, kết hợp với kiểm toán CNTT để biết dữ liệu nào đang ở đâu và được kiểm soát, vận hành ra sao.
Một bài học kinh nghiệm quan trọng nữa là cần nâng cao năng lực phân tích dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm toán với nòng cốt là các kiểm toán viên kiểm toán CNTT thông qua việc bổ sung nhân sự, máy tính, công cụ phân tích dữ liệu chuyên dụng. Thực tiễn yêu cầu bộ phận này phải là các chuyên gia vừa có các kỹ năng phân tích dữ liệu, vừa phải có kinh nghiệm kiểm toán và phải giải quyết được các bài toán phân tích dữ liệu tầm vĩ mô ở quy mô quốc gia, quy mô ngành./.