Bộ Y tế cho biết, ở nước ta, hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao (chiếm 23,8%), ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của người Việt Nam khi trưởng thành. Cá biệt vẫn còn nhiều tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30%, thậm chí một số tỉnh tỷ lệ này còn cao khoảng 35%.
Để triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường và thực hiện các chỉ tiêu về cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành phố thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tại địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố là Trưởng ban, Phó Trưởng ban thường trực là lãnh đạo Sở Y tế, ủy viên là các Sở, ngành, đơn vị liên quan; khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Chương trình Sữa học đường tại địa phương và ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai Kế hoạch hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.Đồng thời, giao Sở Y tế làm đầu mối, phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan triển khai kế hoạch.
![]() |
Ảnh minh họa |
Bộ Y tế cũng nêu rõ: Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Sữa học đường” cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo chương trình "Sữa học đường".
Đ. KHOA