Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8, Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 10 (ACMECS 10), Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 11 (CLMV 11) và làm việc tại Trung Quốc. Với các hoạt động phong phú về hình thức, đa dạng về đối tác, thực chất về nội dung, chuyến công tác đã thành công tốt đẹp cả về phương diện đa phương và song phương.
Chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa
Là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hợp tác tiểu vùng Mekong, lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp trở lại sau 6 năm, Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 10 và Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 11 đã thành công tốt đẹp.
Tại các Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã xác định những phương hướng lớn cho hợp tác tiểu vùng, gồm đặt hợp tác tiểu vùng Mekong vào dòng chảy phát triển của thế giới, tăng cường sức mạnh nội tại của các nền kinh tế, củng cố đoàn kết và gắn kết giữa các nước thành viên để cùng ứng phó với những thách thức chung.
Ba Hội nghị đã thông qua một loạt văn kiện quan trọng như Chiến lược Đổi mới sáng tạo vì phát triển GMS đến năm 2030, Tuyên bố chung của các nhà Lãnh đạo hợp tác GMS, ACMECS và CLMV. Các nhà Lãnh đạo đã giao các Bộ trưởng, các quan chức cao cấp và các chuyên gia sớm xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, có tính khả thi cao trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên.
Với lịch hoạt động liên tục trong 3 ngày rưỡi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các thành viên Đoàn Việt Nam đã chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa tới tiểu vùng, khu vực và cộng đồng quốc tế, khẳng định sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam đóng góp xây dựng tiểu vùng Mekong đồng thời góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với chủ nhà Trung Quốc và các đối tác.
Tại các hội nghị, Thủ tướng đã có những đánh giá, nhận định rất sâu sắc, tâm huyết, đồng thời gợi mở tư duy, cách tiếp cận, các ý tưởng mới và các đề xuất thiết thực để tạo bước phát triển đột phá cho cả ba cơ chế hợp tác.
Các phát biểu, hoạt động của Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam đã đưa ra nhận định chính xác, kịp thời về những đặc trưng nổi bật của môi trường phát triển và các xu thế lớn, từ đó giúp định vị vai trò, sứ mệnh của từng cơ chế trong kỷ nguyên mới.
Theo Thủ tướng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên kết nối và hội nhập, kỷ nguyên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, cần đưa đổi mới sáng tạo trở thành một trọng tâm của hợp tác GMS bởi đây là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, đòi hỏi khách quan để phát triển nhanh và bền vững.
Nằm trong sự vận động và phát triển, Tiểu vùng Mekong mở rộng phải liên tục đổi mới, sáng tạo, vừa nắm bắt xu thế chung của thế giới, vừa phục vụ nhu cầu phát triển riêng của Tiểu vùng. "Đã đến lúc Tiểu vùng cần tập trung phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới, với đổi mới sáng tạo là trung tâm, vượt ra khỏi giới hạn của hành lang kinh tế truyền thống", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đã đề xuất GMS tập trung phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới, với đổi mới sáng tạo là trung tâm; ACMECS xác định sứ mệnh mới là xây dựng một cộng đồng các nước Mekong đoàn kết, vững mạnh và phát triển bền vững; và trọng tâm mới của CLMV là tạo đột phá trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp ngoại lực và đoàn kết vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đề xuất ba nội hàm chính của hành lang kinh tế thế hệ mới; nhấn mạnh cách tiếp cận "4 cùng", 5 bài học quý giá và phương châm "6 gắn kết".
Nhắc lại những câu nói của người Trung Quốc "chung một con thuyền, tiến cùng thời đại" và của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Biết đồng sức, biết đồng lòng, việc gì khó, cũng làm xong", Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên và các đối tác phát triển để cùng xây dựng một tiểu vùng Mekong mở rộng đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển bền vững, thịnh vượng…
Đồng thời, Việt Nam đã có những đóng góp rất cụ thể, thiết thực cho các cơ chế hợp tác. Tại các Hội nghị, Thủ tướng đã công bố việc Việt Nam sẽ đóng góp 10 triệu USD cho Quỹ Phát triển ACMECS; và tiếp tục triển khai chương trình học bổng, tiếp nhận sinh viên các nước Campuchia, Lào, Myanmar sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã có các cuộc trao đổi sâu rộng với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Campuchia về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và ba nước trong giai đoạn phát triển mới trên tinh thần tin cậy, đoàn kết gắn bó và thông hiểu lẫn nhau.
Thúc đẩy quan hệ song phương, đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp
Chuyến công tác tại Trung Quốc lần này của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang trên đà phát triển rất tích cực, cả về chất và lượng sau khi hai bên nhất trí nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược (12/2023). Hơn nữa, hai nước cũng đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2025 (18/1/1950-18/1/2025), một dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của hai Đảng, hai nước.
Thủ tướng đã có chương trình làm việc hết sức phong phú với 19 hoạt động song phương. Tại các cuộc hội đàm, trao đổi của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Lãnh đạo tỉnh Vân Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây, hai bên đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc tiếp tục triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, thúc đẩy quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, trong đó có các địa phương Trung Quốc phát triển ngày càng hiệu quả, thực chất, bền vững, thể hiện rõ nét trên 4 phương diện. Đó là, tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên, phát huy vai trò định hướng quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương; tiếp tục làm sâu sắc hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, củng cố nền tảng vật chất cho quan hệ hai bên; tăng cường giao lưu nhân dân, củng cố hơn nữa nền tảng xã hội của quan hệ hai nước; hai bên nhất trí kiểm soát tốt bất đồng, không để ảnh hưởng đến quan hệ rất tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước.
Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng đã dành nhiều quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư kinh doanh, phát huy vai trò kết nối 2 nền kinh tế, cả về kết nối cứng, kết nối mềm, góp phần cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết, nhận thức chung của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, cùng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho hai nước và nhân dân hai nước, cùng nhau phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Không chỉ kết nối các dự án cụ thể mà còn kết nối về tư duy, tầm nhìn phát triển
Một điểm nhấn nổi bật, chuyến công tác tại Trung Quốc lần này của Thủ tướng không chỉ thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế mà còn thúc đẩy kết nối văn hóa - du lịch, nền tảng xã hội; không chỉ kết nối thúc đẩy các dự án cụ thể mà còn kết nối về tư duy, tầm nhìn phát triển; không chỉ thúc đẩy kết nối trong hiện tại mà còn khẳng định sự trân trọng những sợi dây liên hệ trong lịch sử hào hùng của hai dân tộc để cùng hướng tới tương lai; không chỉ thúc đẩy kết nối giữa hai nước mà còn kết nối giữa các địa phương của hai nước và giữa hai nước với các nước khác, kết nối thúc đẩy các hành lang kinh tế mới vươn xa hơn.
Điều này thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ đã có 2 cuộc gặp với cộng đồng người Việt Nam tại Côn Minh và Trùng Khánh; đồng thời tham dự 2 sự kiện giới thiệu, quảng bá văn hóa - du lịch Việt Nam tại 2 địa phương này. Đây cũng là những điểm khá đặc biệt so với các chuyến công tác tới các quốc gia khác của người đứng đầu Chính phủ.
Trong trao đổi với các nhà lãnh đạo, đối tác Trung Quốc, Thủ tướng nêu rõ, Trung Quốc là nước láng giềng có chung đường biên giới, "núi liền núi, sông liền sông", là nước bạn bè truyền thống xã hội chủ nghĩa và có quan hệ mật thiết với Việt Nam. Trong chặng đường gần 75 năm qua, quan hệ hữu nghị "vừa là đồng chí, vừa là anh em" do các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, coi đây là chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại. Việt Nam ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Chúc mừng Trung Quốc, cảm ơn Trung Quốc, học tập Trung Quốc" và điều này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân của hai nước cùng góp phần cho tình hữu nghị "vừa là đồng chí vừa là anh em" Việt Nam - Trung Quốc được xây dựng, vun đắp qua nhiều thế hệ và còn tiếp tục trao truyền cho các thế hệ mai sau, ngày càng đơm hoa, kết trái, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, cho hai nước và nhân dân hai nước.
Thủ tướng đã dành nhiều thời gian trao đổi với các nhà lãnh đạo, các đối tác Trung Quốc về việc thúc đẩy kết nối đường sắt, nhất là hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối giữa hai nước (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng), phấn đấu khởi công tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025…/.
Thiết thực góp phần triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, chuyến công tác thể hiện cam kết, chuyển tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV cũng như tổng thể hợp tác tiểu vùng Mekong tạo bứt phá trong giai đoạn phát triển mới; khẳng định tư duy đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, huy động các nguồn lực mới cho phát triển đất nước.