Theo thông tin tại buổi Lễ, cách đây 75 năm (tháng 4/1949), giữa núi rừng đại ngàn tại xóm Bờ Rạ (nay thuộc xóm Gốc Mít, xã Tân Thái, Huyện Đại Từ), Lễ khai giảng lớp đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức. Ngôi trường thời bấy giờ là nhà tranh tre mái lá vách nứa.
Dựa trên những tư liệu lịch sử đó, giữa tháng 01/2024, Lễ khởi công tu bổ tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái được tổ chức.
Tháng 4/2019, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khánh thành Bia Di tích nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đến đầu năm 2024, việc tu bổ, phục dựng lại ngôi trường đã được thực hiện. Sau 7 tháng thi công, các hạng mục chính của di tích đã hoàn thành.
Phát biểu tại buổi Lễ, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nêu rõ: Đây là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau.
Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền báo chí để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí Kháng chiến chủ động thực hiện với sáng kiến xúc tiến thành lập Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta.
Tên Trường do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt. Người đặc biệt quan tâm và hai lần dành thời gian viết thư động viên tinh thầy dạy và học của thầy và trò nhà trường lúc đó. Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!” .
Tiếp thu lời dạy của Người, Ban Giám đốc Trường được thành lập gồm 5 người: Ông Đỗ Đức Dục - Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc.
Với mong muốn tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, tầm vóc lịch sử của di tích nhân kỷ niệm 75 năm thành lập trường và hướng đến 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo lập dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Địa điểm thành lập Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng từ nguồn vốn xã hội hoá và được giao trọng trách chủ đầu tư.
Di tích lịch sử cấp Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng hiện được trùng tu, xây dựng hoàn thiện với 3 đơn nguyên chính trên diện tích 859m2.
Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thiết kế dưới hình thức căn nhà cấp 4 xây trên đồi cao.
Nhà sàn - Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946-1954, rộng 80m2 được phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh.
“Để công trình đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt nhất, tôi đề nghị Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ, Ban Quản lý Di tích và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn kết với các địa danh lịch sử, văn hóa chiến khu Việt Bắc năm xưa, hình thành tuyến du lịch về nguồn ý nghĩa, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời trải nghiệm văn hóa địa phương và khám phá vẻ đẹp của “Thủ đô gió ngàn” thập kỷ 50 của thế kỷ trước ở thời hiện đại” - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nói./.