Khách hàng giao dịch tại KBNN nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng dịch. Ảnh: KBNN Quảng Nam. |
Thực hiện nghiêm quy định về phòng dịch, đẩy mạnh giao dịch qua mạng
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này, Thái Bình là địa phương đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh từ trưa 06/5.
Bà Nguyễn Thị Hải - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Bình - cho biết, mọi khoản chi cho an sinh xã hội, cho đầu tư phát triển đều phải qua sự kiểm soát của kho bạc. Vì vậy, kho bạc lúc nào cũng có cán bộ trực để giải quyết các nhu cầu thu, chi ngân sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Để vừa phòng, chống tốt dịch bệnh vừa không gián đoạn công tác chi trả ngân sách của tỉnh, nhất là các khoản kinh phí phòng, chống dịch, KBNN Thái Bình đã đẩy mạnh giao dịch với khách hàng qua DVCTT và triển khai ứng dụng công nghệ trong việc trao đổi thông tin (tạo các nhóm trên Zalo, Viber để chỉ đạo và trao đổi công việc).
Bắc Ninh cũng là một điểm nóng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này khi huyện Thuận Thành được xác định là một ổ dịch mới có sức lây lan mạnh trong cộng đồng.
Bà Trịnh Thị Vân Anh - Giám đốc KBNN Bắc Ninh - cho biết, ngoài việc thực hiện các quy định về chống dịch, 50% quân số của KBNN Bắc Ninh đã làm việc tại nhà. Đây là nguồn cán bộ dự phòng, nếu xảy ra trường hợp cán bộ phải cách ly, lực lượng này sẽ thay thế các vị trí đó, đảm bảo mọi hoạt động chi trả ngân sách luôn được duy trì.
Đặc biệt, tại KBNN Thuận Thành, từ ngày 10/5, mọi sinh hoạt của công chức được khép kín trong đơn vị. KBNN Thuận Thành đã thực hiện giao dịch 100% trên DVCTT. Trường hợp các đơn vị sử dụng ngân sách cần đối chiếu chứng từ với kho bạc thì sẽ thực hiện gửi và nhận lại tại cổng bảo vệ KBNN.
Việc thực hiện giãn cách xã hội thành phố Vĩnh Yên thực sự là một khó khăn lớn đối với KBNN tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Cương - Giám đốc KBNN Vĩnh Phúc - cho biết: Tỷ lệ giao dịch qua DVCTT đạt 100% từ cuối năm 2020 đã giúp KBNN Vĩnh Phúc thực hiện tốt mục tiêu kép là giãn cách xã hội và đảm bảo mọi hoạt động chi trả ngân sách thông suốt do mọi giao dịch được xử lý trên môi trường mạng. Chứng từ được truyền nhận qua hệ thống DVCTT thông suốt và KBNN Vĩnh Phúc không để chứng từ tồn đọng nếu không có lý do.
KBNN Đà Nẵng đã ban hành Công văn gửi các đơn vị sử dụng ngân sách của Thành phố yêu cầu đẩy mạnh giao dịch với kho bạc qua dịch vụ công trực tuyến, vừa đảm bảo đúng quy định phòng chống dịch vừa đảm bảo các hồ sơ, chứng từ gửi đến kho bạc đều được xử lý và thanh toán vốn kịp thời.
Hệ thống KBNN Đà Nẵng đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho các hoạt động nghiệp vụ của kho bạc có liên quan đến các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ các đơn vị an ninh, quốc phòng) và cung cấp ứng dụng cảnh báo rủi ro qua thiết bị di động cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại, KBNN Quảng Nam cũng đã đẩy mạnh các giao dịch qua DVCTT. Theo đó, các đơn vị sử dụng ngân sách không phải trực tiếp đến kho bạc để giao dịch, vừa giúp thực hiện giãn cách xã hội vừa đảm bảo việc chi trả ngân sách không bị gián đoạn.
Kiểm soát tốt các nguồn chi ngân sách trong đại dịch
Với các giải pháp đã và đang thực hiện, KBNN Bắc Ninh đã kiểm soát tốt các nguồn chi ngân sách trong đại dịch. Đến ngày 10/5, KBNN Bắc Ninh đã kiểm soát nguồn vốn chi thường xuyên 2.573 tỷ đồng, đạt gần 26% dự toán và trên 2.258 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đạt 33% kế hoạch vốn được giao. Đặc biệt, đến thời điểm này, KBNN Bắc Ninh đã kiểm soát nguồn kinh phí chi cho phòng, chống dịch Covid-19 trên 119 tỷ đồng.
Khách hàng đến giao dịch tại KBNN Đà Nẵng phải thực hiện đo thân nhiệt và sát khuẩn. Ảnh: KBNN Đà Nẵng |
Theo số liệu từ KBNN Vĩnh Phúc, đến ngày 10/5, số chi NSNN qua KBNN Vĩnh Phúc là 4.522 tỷ đồng, đạt 28% dự toán HĐND tỉnh giao. Đặc biệt, việc chi trả ngân sách cho ngày bầu cử sắp tới được KBNN Vĩnh Phúc phục vụ nhanh chóng, thuận tiện, đúng chế độ với trên 9,1 tỷ đồng đã được thanh toán.
Với các giải pháp đã thực hiện, KBNN Đà Nẵng luôn đảm bảo chi trả nguồn ngân sách kịp thời đến các đơn vị sử dụng ngân sách. Đến hết ngày 11/5, KBNN Đà Nẵng đã thanh toán trên 6.033 tỷ đồng vốn chi thường xuyên, đạt trên 40% so với dự toán; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 1.620 tỷ đồng, đạt 14% so với dự toán.
Đến hết tháng 4 vừa qua, KBNN Quảng Nam đã kiểm soát, thanh toán trên 6.874 tỷ đồng, trong đó, chi ngân sách trung ương trên 860,8 tỷ đồng và ngân sách địa phương trên 6.013 tỷ đồng.
KBNN Hậu Giang cũng đã đẩy mạnh giao dịch trên DVCTT, đảm bảo chi trả các nguồn ngân sách kịp thời, nhất là trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Đến hết tháng 4, KBNN Hậu Giang đã giải ngân được gần 490 tỷ đồng vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2021, đạt trên 23% kế hoạch vốn được giao (trên 2.166 tỷ đồng) - tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung của cả nước./.
THÙY ANH – VÂN HÀ