Khó khăn do dịch bệnh, ngành Du lịch nỗ lực tìm hướng đi mới

(BKTO)- Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng như trong nước, hoạt động phát triển du lịch trong nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong dịch bệnh, cũng như sẵn sàng phương án phát triển du lịch sau đại dịch.



Doanh nghiệp đóng cửa, cạn kiệt nguồn lực về tài chính

Đây là thông tin được Tổng cục Du lịch đề cập tại Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Du lịch diễn ra mới đây. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VH,TT&DL), trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Thị trường du lịch quốc tế đã tạm dừng từ cuối tháng 3/2020 đến nay.Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, trong bối cảnh đó, Tổng cục đã tham mưu Bộ VH,TT&DL phát động chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.
                
   

Tổng cục Du lịch đã đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ DN và người lao động du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: N.LỘC

   

Tuy nhiên, các đợt dịch bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động du lịch. Hầu hết các DN du lịch đã phải đóng cửa, xin rút giấy phép kinh doanh, cạn kiệt nguồn lực về tài chính. Một lực lượng không nhỏ lao động du lịch phải dịch chuyển sang các ngành nghề khác. Trước tình hình đó, Tổng cục Du lịch đã nhiều lần đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN và người lao động du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như: giảm phí thẩm định cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch...

         
Trong 6 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm ước đạt 30,5 triệu lượt, trong đó có 15,8 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.


Trong thời gian này, Tổng cục Du lịch đã tập trung vào công tác xây dựng văn bản, đề án như: Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; đề án Mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025...

Tìm giải pháp thích ứng với khó khăn

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất do dịch bệnh, bên cạnh những biện pháp ứng phó trước mắt, ngành Du lịch đang nỗ lực tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi mới cho ngành trong và sau đại dịch.

Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy du lịch trong nước, ngay từ năm 2020, Tổng cục Du lịch đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, chuẩn bị trước các phương án đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, đồng thời thường xuyên điều chỉnh, cập nhật theo tình hình thực tế.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Binh đã nêu cụ thể về các vấn đề xúc tiến du lịch trong bối cảnh tình hình mới, trong đó nhấn mạnh vai trò nền tảng của du lịch nội địa. Theo ông Bình, trong bối cảnh dịch bệnh, đường bay đóng cửa thì thị trường du khách trong nước đã trở thành “cứu cánh”, giúp ngành Du lịch cầm chừng đến nay.

Với thị trường quốc tế, khi dịch bệnh được khắc phục thì cần chọn thị trường nhiều khách có chi trả cao, áp dụng công nghệ số tiếp cận quảng bá với các thị trường xa. Đồng thời, ông Vũ Thế Bình cũng nêu phương thức đón và phục vụ khách quốc tế trong bối cảnh bình thường mới cũng phải theo một quy trình hoàn toàn mới so với trước đây và tuân thủ chặt chẽ những chỉ dẫn của Bộ Y tế.

Đại dịch Covid-19 bên cạnh những tác động tiêu cực, cũng đặt ra cho ngành Du lịch quyết tâm đổi mới tư duy, cách thức thực hiện để đối phó với những hoàn cảnh khó khăn tương tự. Theo đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, ngành Du lịch cần tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh; tăng cường hỗ trợ địa phương quản lý điểm đến, xây dựng sản phẩm đặc trưng, quy hoạch cơ sở lưu trú du lịch...
                
   

Ngành Du lịch cần chuẩn bị các phương án để sẵn sàng khôi phục hoạt động du lịch sau đại dịch. Ảnh: N.LỘC

   

Nhấn mạnh chủ trương của Bộ Chính trị cho phép nghiên cứu thí điểm sử dụng "hộ chiếu vắc xin" đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) sẽ mở ra triển vọng phát triển du lịch rất lớn, nhiều ý kiến cũng đề nghị ngành Du lịch cần nắm bắt tốt cơ hội này để tạo dựng thương hiệu, thu hút du khách quốc tế trở lại với Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đoàn Văn Việt chia sẻ khó khăn với ngành Du lịch, đồng thời lưu ý: Để chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch theo hướng bền vững, ngành Du lịch cần quán triệt và thực hiện phương châm “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến” như Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đề ra.

Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; Xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc để chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ; triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045... Đặc biệt, toàn ngành cần lên phương án kích cầu du lịch nội địa và chuẩn bị kế hoạch đón khách quốc tế hậu Covid-19; tăng cường phối hợp, liên kết với các địa phương để triển khai các hoạt động phục hồi và phát triển du lịch.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Đào tạo lại lao động: Cần thiết nhưng không dễ thực hiện
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đào tạo lại nguồn lao động được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời góp phần điều tiết thị trường lao động, hạn chế thất nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc này sẽ không dễ thực hiện và khó mang lại hiệu quả như kỳ vọng, nếu không có những đánh giá tác động kỹ lưỡng.
  • Xử lý nghiêm cơ sở y tế lợi dụng dịch bệnh để tăng giá xét nghiệm Covid-19
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Y tế vừa có Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các cơ sở y tế trên cả nước về việc chấn chỉnh thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19.
  • Hướng dẫn bầu người đứng đầu cơ quan chuyên môn giữ chức danh Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Trước ý kiến của một số địa phương và ý kiến của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ nhiệm người giữ chức danh Ủy viên UBND vào giữ chức vụ người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp sau khi việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn tất, mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký ban hành Công văn số 3308/BNV-CQĐP hướng dẫn thực hiện nội dung này.
  • Sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật để nâng cao năng lực, phục vụ tốt hơn cho công chúng
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thời gian qua, chủ trương sắp xếp các đơn vị nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đặt ra, với mục tiêu hướng đến là tổ chức các đơn vị nghệ thuật theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả để phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân, cũng như góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc. Nhằm cụ thể hóa chủ trương này, Bộ đang gấp rút xây dựng Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương (Đề án), tạo thống nhất cho các cơ sở trong quá trình triển khai sắp xếp.
  • Trưa 09/7: Thêm 609 ca mắc Covid-19
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Y tế cho biết, tính từ 6h đến 12h ngày 09/7 có 609 ca mắc Covid -19 mới (BN24811-25419) gồm 06 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 603 ca ghi nhận trong nước, trong đó, TP. Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với 479 ca.
Khó khăn do dịch bệnh, ngành Du lịch nỗ lực tìm hướng đi mới