Khoa học, công nghệ đóng góp tích cực vào bảo vệ rừng, phát triển ngành công nghiệp gỗ

(BKTO) - Việc ứng dụng của khoa học, công nghệ (KHCN) trong lâm nghiệp không những góp phần tăng độ che phủ rừng, tăng năng suất, chất lượng rừng trồng, mà còn đưa ngành công nghiệp gỗ từng bước trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước.

Đây là nội dung được các đại biểu trao đổi, chia sẻ tại Hội nghị toàn quốc về KHCN và đổi mới sáng tạo lĩnh vực lâm nghiệp, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức trong 02 ngày (05-06/10) tại Hà Nội.

dsc_0891.jpg
Một góc không gian trưng bày các sản phẩm công nghệ được ứng dụng rộng rãi vào công tác quản lý rừng bên lề Hội nghị. ẢNh: N. LỘC

Đầu tư nguồn kinh phí lớn cho KHCN

Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Võ Đại Hải cho biết, trong những năm qua, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc nâng cao diện tích, chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn miền núi.

Tính đến tháng 12/2022, tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14.790.075 hécta, đạt tỷ lệ che phủ của rừng là 42,02%. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam 10,44 tỷ USD. Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ hai châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Để đạt được kết quả này là nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển lâm nghiệp, nông thôn, miền núi mà đòn bẩy là phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở các chính sách lớn của Nhà nước, ngành lâm nghiệp đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, nhiệm vụ KHCN.

“Công tác quản lý và triển khai các nhiệm vụ KHCN trong giai đoạn vừa qua đã có những thay đổi căn bản, các nhiệm vụ được thực hiện theo chuỗi, liên ngành và qua nhiều giai đoạn để đạt được sản phẩm KHCN có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất” - GS,TS. Võ Đại Hải cho biết, đồng thời nhấn mạnh, qua hoạt động đầu tư cho KHCN đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao năng suất và chất lượng rừng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, từng bước cải thiện đời sống của người dân sống dựa vào rừng.

2.jpg
GS,TS. Võ Đại Hải khẳng định trong những kết quả đạt được của ngành lâm nghiệp có đóng góp rất lớn của KHCN. Ảnh: N. LỘC

Còn theo Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy, trong giai đoạn 2020-2023, ngành lâm nghiệp triển khai 245 nhiệm vụ KHCN các cấp, với tổng kinh phí là 397,415 tỷ đồng.

Trong số đó, có 71 nhiệm 12 vụ cấp Nhà nước, kinh phí là 151,898 tỷ đồng. Cấp Bộ có 96 nhiệm vụ với kinh phí là 177,456 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% tổng kinh phí sự nghiệp KHCN cấp cho Bộ. Cấp tỉnh có 78 nhiệm vụ với tổng kinh phí 67,961 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, Bộ đã triển khai 28 dự án khuyến nông với kinh phí là 85,1 tỷ đồng. Kinh phí nghiên cứu lĩnh vực lâm nghiệp tập trung từ nguồn kinh phí sự nghiệp KHCN cấp Bộ và cấp Nhà nước là chủ yếu.

Bên cạnh đó, các đơn vị nghiên cứu cũng chủ động tiếp cận khai thông các nguồn kinh phí khác để triển khai nhiệm vụ KHCN, một mặt gia tăng nguồn lực cho nghiên cứu KHCN, mặt khác nghiên cứu được gắn chặt hơn với đòi hỏi của thực tiễn địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển giao KHCN.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2020-2023 từ kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KHCN được thực hiện trước năm 2020, Bộ đã công nhận 58 giống mới và 36 tiến bộ kỹ thuật để có thể chuyển giao vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành lâm nghiệp” - TS. Thủy nhấn mạnh.

Để KHCN tiếp tục tiên phong, tạo đột phá

Từ góc độ lĩnh vực khuyến nông, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong giai đoạn từ 2020 đến nay, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt và đưa vào thực hiện 28 dự án khuyến lâm với tổng kinh phí 85,1 tỷ đồng.

Các dự án khuyến nông thực hiện trong giai đoạn này đa dạng về đối tượng cây trồng cho mục tiêu lấy gỗ (trồng keo lai nhân giống bằng nuôi cấy mô, Tràm lá dài), lấy gỗ kết hợp lấy quả, lá (trồng Giổi ăn hạt, Trám bằng cây ghép, Quế và Bời lời đỏ), lấy quả (Sơn tra) và mục tiêu dược liệu (trồng Đẳng sâm, Cát sâm, Sa nhân, Ba kích).

Dự án khuyến công tập trung vào chuyển giao công nghệ sấy nguyên liệu sản xuất hàng thủ công (mây, tre, nứa, ván bóc) phục vụ các làng nghề truyền thống.

3.jpg

KHCN đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp. Để đảm bảo mục tiêu bảo vệ phát triển rừng bền vững, hướng tới đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu sản phẩm từ gỗ theo định hướng đề ra, các cơ quan cần tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ số trong quản lý, trồng rừng; đưa công nghệ vào chuỗi giá trị để làm tăng giá trị sản phẩm gỗ, tạo sự cạnh tranh cho sản phẩm gỗ Việt đối với thị trường

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

“Kết quả triển khai các dự án khuyến nông lĩnh vực lâm nghiệp trong thời gian qua đã khẳng định việc tăng cường hoạt động khuyến nông Trung ương để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất là chủ trương đúng đắn và cần được đẩy mạnh trong giai đoạn tới” - đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên - Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho biết, công tác chuyển giao và phát triển giống cũng đã có nhiều bước chuyển biến tích cực so với các giai đoạn trước. Bên cạnh hoạt động chuyển giao công nghệ nhân giống cho các cơ sở sản xuất, các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng đã tích cực chủ động sản xuất cung cấp giống gốc cũng như giống thương phẩm cho sản xuất. Qua đó đã góp phần đẩy nhanh 42 các giống mới được công nhận vào sản xuất đồng thời tăng thêm thu nhập cho người lao động theo định hướng tự chủ và phát huy vai trò của Viện trong sản xuất.

Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác nghiên cứu và phát triển giống trong giai đoạn vừa qua cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: công tác chuyển giao và phát triển giống vào sản xuất chưa theo kịp với công tác nghiên cứu, có nhiều giống đã được chọn tạo và công nhận nhưng số lượng giống được phát triển vào sản xuất còn hạn chế; các nghiên cứu chọn tạo giống mới chỉ chủ yếu chú trọng đến cải thiện năng suất mà chưa quan tâm nhiều đến cải thiện các tính chất gỗ phục vụ trồng rừng gỗ lớn cũng như chọn tạo giống kháng bệnh. Những hạn chế này cần được quan tâm đầu tư nghiên cứu và khắc phục trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để phát huy hơn nữa tính ưu việt, hiệu quả của KHCN đối với các lĩnh vực nghiên cứu công nghệ cao như công nghệ biến nạp gen, sinh học phân tử cần có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hóa chất đồng thời cần có sự hợp tác quốc tế với các Viện nghiên cứu và trường đại học trên thế giới để học hỏi chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức.

Vì vậy, cần có sự đầu tư lớn của Nhà nước không chỉ về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, nghiên cứu trong nước mà còn cần cả chi phí để tham gia các mạng lưới nghiên cứu trên thế giới.

Đặc biệt, để thúc đẩy hoạt động chuyển giao, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tài chính cho cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp để các đơn vị này xúc tiến hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giống. Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ với các hộ dân trồng rừng cá thể để các đối tượng này có thể tiếp cận được với nguồn giống được cải thiện.

Cùng chuyên mục
Khoa học, công nghệ đóng góp tích cực vào bảo vệ rừng, phát triển ngành công nghiệp gỗ