"Khoảng trống việc làm" gia tăng và thách thức trong giải quyết khủng hoảng sau đại dịch

(BKTO) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu kéo dài và vẫn diễn biến phức tạp, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra dự báo không mấy lạc quan về tình hình lao động, việc làm trong những năm tới, cũng như những thách thức trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid-19 tạo ra. Là một trong những quốc gia hứng chịu tác động của dịch bệnh, Việt Nam cũng phải đối diện với những thách thức này.



Khủng hoảng thị trường lao động

Đánh giá này được ILO đưa ra, trong báo cáo mới nhất có tên gọi “Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2021". Trong đó nhấn mạnh: Tác động xấu của đại dịch trên toàn cầu sẽ khiến cho "khoảng trống việc làm" tiếp tục gia tăng trong năm nay.

Khoảng trống về thời giờ làm việc, bao gồm cả khoảng trống việc làm và số giờ làm việc bị giảm tương đương với 100 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2021 và 26 triệu việc làm toàn thời gian năm vào 2022. Thiếu hụt việc làm và thời giờ làm việc sụt giảm cũng bắt nguồn từ tỷ lệ thất nghiệp cao, tình trạng không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động và điều kiện làm việc kém từ trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.
                
   

Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng

   

Do đó, dự kiến 205 triệu người sẽ thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng cao so với mức 187 triệu người năm 2019. Con số này tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp 5,7%. Không tính đến thời kỳ khủng hoảng Covid-19 thì năm 2013 là lần cuối ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở mức này.

Theo Báo cáo, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nửa đầu năm 2021 là châu Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, châu Âu và Trung Á. Ở cả hai khu vực này, ước tính tổn thất về thời giờ làm việc đã vượt mức 8% trong quý I và 6% trong quý II trong khi mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu trong quý I và II lần lượt là 4,8% và 4,4%.
         
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tại Việt Nam lần lượt là 2,42% và 2,20%, tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2021 ước tính đạt 68,7%, giảm 1,6 điểm % so với quý trước và giảm 1,1 điểm % so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo công cuộc phục hồi việc làm toàn cầu sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021 nếu tình hình đại dịch về tổng thể không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi này sẽ không đồng đều do việc tiếp cận vắc xin không bình đẳng và hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không đủ khả năng để triển khai các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ. Hơn nữa, chất lượng của những việc làm mới tạo ra ở những nước này cũng có khả năng kém hơn.

Gia tăng bất bình đẳng giữa các lao động

Một đánh giá đáng chú ý khác, theo Báo cáo, đó là cuộc khủng hoảng Covid-19 với những tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội và lao động, việc làm trên toàn cầu cũng khiến cho những bất bình đẳng vốn đã có từ trước trở nên tồi tệ hơn do khủng hoảng tác động nặng nề hơn tới những người lao động dễ bị tổn thương. Việc thiếu các chế độ an sinh xã hội ở nhiều nơi (như tình trạng của 2 tỷ người lao động trong khu vực phi chính thức trên toàn thế giới) đồng nghĩa với sự gián đoạn về việc làm do đại dịch đã và đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với thu nhập và sinh kế của gia đình người lao động.
                
   

Lao động nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, với tỷ lệ người thiếu việc làm cao hơn nam giới

   

Trong đó, đối tượng lao động nữ chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng. Việc làm của phụ nữ đã giảm 5% năm 2020, trong khi mức giảm việc làm của nam giới là 3,9%. Tỷ lệ phụ nữ rời khỏi thị trường lao động và không còn hoạt động kinh tế còn lớn hơn nữa.

Trên toàn cầu, việc làm thanh niên đã giảm 8,7% năm 2020 so với mức 3,7% ở người trưởng thành và các nước thu nhập trung bình ghi nhận sự sụt giảm này rõ rệt nhất. Tác động của đại dịch đến triển vọng thị trường lao động của thanh niên được mô tả chi tiết hơn trong một báo cáo khác của ILO với tên gọi “Cập nhật về tác động của khủng hoảng Covid-19 tới thị trường lao động thanh niên” cũng cho thấy khoảng cách trong thị trường lao động trẻ ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

Tại Việt Nam, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng, chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước. Tuy nhiên, trong quý I/2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong đó nam giới chiếm 51,0% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm gần 2/3. Xét theo 3 khu vực, khu vực ít chịu tác động nhất của đại dịch là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 7,5% lao động cho biết chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Đứng thứ hai là khu vực công nghiệp và xây dựng với 16,5% lao động bị ảnh hưởng. Lao động trong khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 20,4%.
                
   

Dịch vụ du lịch là nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, chiếm phần lớn lao động thất nghiệp

   

Theo TS. Chang Hee Lee - Giám đốc ILO tại Việt Nam, quá trình phục hồi sau đại dịch đặt ra nhiều khó khăn. Do đó, nếu không có những nỗ lực trọng điểm nhằm đẩy nhanh quá trình tạo việc làm thỏa đáng và hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, khôi phục những lĩnh vực kinh kế bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thì trong nhiều năm tới, chúng ta có thể sẽ vẫn còn phải gánh chịu những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch trên phương diện thiệt hại về tiềm năng con người, tiềm năng kinh tế và tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng gia tăng.

Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh, nghiên cứu kỹ thị trường lao động các khu vực, quốc gia, ILO cũng đề xuất chiến lược phục hồi được cấu trúc trên bốn nguyên tắc: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng và tạo việc làm năng suất; hỗ trợ thu nhập hộ gia đình và chuyển dịch thị trường lao động; củng cố những nền tảng thiết chế cần thiết cho tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn diện, bền vững và có sức chống chịu tốt; sử dụng đối thoại xã hội trong xây dựng các chiến lược phục hồi lấy con người làm trung tâm.

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
"Khoảng trống việc làm" gia tăng và thách thức trong giải quyết khủng hoảng sau đại dịch