
Phát biểu tại Lễ khởi động, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong những năm qua, mô hình khám, chữa bệnh từ xa đã chứng minh tính ưu việt, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến, hỗ trợ kịp thời cho các địa phương khó khăn, nhất là trong thời gian dịch Covid-19.
Từ năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa với hơn 1.000 điểm cầu kết nối, cứu sống hàng nghìn bệnh nhân và tiếp tục được mở rộng đến nay.
Dự án "Tăng cường Hệ thống phát triển năng lực cho nhân viên y tế thông qua khám, chữa bệnh từ xa" được tài trợ không hoàn lại bởi JICA, với tổng vốn ODA 3 triệu USD, triển khai trên phạm vi toàn quốc, trong đó thí điểm tại tỉnh Yên Bái cũ (sau ngày 01/7 đã sáp nhập vào tỉnh Lào Cai), sẽ góp phần rất lớn vào việc nâng cao năng lực chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực y tế và củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe từ cơ sở đến trung ương.
"Thông qua dự án, chúng ta sẽ xây dựng các tài liệu hướng dẫn, quy trình chuẩn, tổ chức hội chẩn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tăng cường năng lực nhân viên y tế. Đây chính là giải pháp căn cơ để hướng đến một hệ thống y tế thông minh, linh hoạt, bền vững và lấy người dân làm trung tâm"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Để Dự án đạt kết quả thiết thực và lan tỏa bền vững, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ liên quan, các bệnh viện hạt nhân, các sở y tế địa phương và đối tác Nhật Bản, bảo đảm triển khai dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng, an toàn và hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tích cực tổng kết thực tiễn, tham mưu hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính, kỹ thuật, để mô hình y tế từ xa được tích hợp vững chắc vào hệ thống y tế thường quy, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng "hệ sinh thái y tế số quốc gia", nâng cao năng lực y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Dương Huy Lương cho biết thêm, với sự hỗ trợ của JICA, Dự án lần này sẽ không chỉ tập trung vào khía cạnh chuyên môn, kỹ thuật lâm sàng như hội chẩn từ xa, đào tạo trực tuyến, mà còn hướng tới các yếu tố vận hành cốt lõi để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững lâu dài.
Dự án không chỉ là một chương trình hỗ trợ kỹ thuật đơn thuần, mà còn là bước đi chiến lược góp phần định hình tương lai của chuyển đổi số y tế tại Việt Nam.
Ông Yoshida Tomoya - Phó Giám đốc cấp cao, Vụ Phát triển nhân lực của JICA đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan và khẳng định cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong việc thúc đẩy công bằng y tế. Ông bày tỏ kỳ vọng rằng các kết quả đạt được từ Yên Bái (nay là Lào Cai) sẽ là nền tảng quan trọng cho việc mở rộng mô hình khám, chữa bệnh từ xa trên toàn quốc.
Ở góc độ địa phương, TS, Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai chia sẻ, đây là dự án có ý nghĩa thiết thực và sâu sắc đối với công tác chăm cao sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là ở những địa phương vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn như Lào Cai.
Đây không chỉ là cơ hội lớn để ngành y tế địa phương tiếp cận với những tiên bộ công nghệ trong lĩnh vực y tế từ xa, mà còn là một bước tiên quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở.
Dự án "Tăng cường Hệ thống phát triển năng lực cho nhân viên y tế thông qua khám, chữa bệnh từ xa" được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt theo Quyết định số 2598/QĐ-BYT ngày 26/9/2022, nằm trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia bao gồm "Chương trình về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và "Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".