
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với sự tham gia của gần 200 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công đến từ các tỉnh Bắc Trung Bộ, hội diễn chính là một sân khấu lớn cho các đoàn nghệ thuật được phô diễn, khoe tài, đua sắc, qua đó giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, những tiềm năng và thành tựu đạt được của địa phương trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Đây cũng là môi trường, điều kiện để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên có dịp trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng ở cơ sở và cùng nhau chung tay truyền lửa để câu hò, điệu lý vang vọng mãi tới muôn đời sau.
Hội diễn năm nay hướng đến việc tôn vinh những giá trị truyền thống và lan tỏa thông điệp nhân văn thông qua các chương trình nghệ thuật tổng hợp mang đậm dấu ấn dân gian. Từ lời ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước đến sự đoàn kết của các dân tộc, tất cả sẽ được tái hiện đầy cảm xúc trên sân khấu qua các tiết mục của những nghệ sĩ không chuyên đến từ các tỉnh Bắc Trung bộ.
Đáng chú ý, nội dung các chương trình tham gia hội diễn sẽ bám sát chủ đề xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch biển đảo, quảng bá tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, và giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của từng địa phương. Ban tổ chức đặc biệt khuyến khích các tác phẩm mới mang âm hưởng dân ca và cấu trúc chương trình phải đảm bảo tối thiểu hai loại hình nghệ thuật khác nhau. Chính sự kết hợp này không chỉ tạo chiều sâu nghệ thuật mà còn thể hiện rõ nét phong vị từng vùng miền.
Có thể nói rằng, "Câu hò nối những dòng sông" không chỉ đơn thuần là một hội diễn, đó là nhịp cầu nghệ thuật kết nối truyền thống với hiện đại, kết nối nghệ sĩ và công chúng, kết nối những dòng chảy văn hóa đa dạng của các vùng đất bên sông Lam, sông Mã, sông Gianh… trong một bản hòa ca giàu cảm xúc. Các tiết mục trong chương trình được dàn dựng công phu, giàu tính nghệ thuật, thể hiện câu chuyện về đời sống đậm nét văn hóa của miền Trung. Từ nét riêng của mỗi vùng quê, những câu hò, tiếng hát nối liền những dòng sông làm nên một miền Trung giàu bản sắc văn hóa và nghĩa tình là chủ đạo của các tiết mục trong chương trình. Đó là điệu hò sông Mã âm vang các làn điệu; là dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh thuần hậu, chất phác mà sâu lắng, tình đời; là ca Huế, dân ca Huế sang trọng, tinh tế, cuốn hút lòng người, ẩn chứa một chút man mác, một chút thương cảm, một chút bi ai…
Hội diễn nghệ thuật quần chúng "Câu hò nối những dòng sông" không chỉ là một sự kiện văn hóa giàu ý nghĩa, mà còn là minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ và khả năng thích nghi của nghệ thuật truyền thống trong thời đại mới. Với sự kết hợp hài hòa giữa tính dân gian và tính đương đại, hội diễn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng Bắc Trung Bộ. Qua đó, âm nhạc dân tộc không chỉ được lưu truyền mà còn tiếp tục lan tỏa, kết nối trái tim người Việt trong hành trình khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc giữa dòng chảy hội nhập hôm nay./.