Tự chủ tài chính giúp giảm chi ngân sách nhà nước
Theo Bộ Y tế, đến nay, 100% đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo 3 mức độ: tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên, do NSNN đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên.
Tính đến ngày 31/12/2018, Bộ Y tế đã có 25 đơn vị được giao quyền tự chủ về tài chính. Đến năm 2019, đã có 29/82 đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ về tài chính với tổng số là 29.153 người làm việc. Kết quả này đã giúp giảm chi lương và các khoảng phụ cấp quanh lương từ NSNN khoảng 3.000 tỷ đồng. Các đơn vị tự chủ về tài chính được thực hiện tự chủ về tổ chức, được quyết định danh mục vị trí việc làm và số lượng người làm việc của đơn vị để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức theo quy định. Ngoài ra, 6 bệnh viện thuộc các trường đại học trực thuộc Bộ Y tế đều được giao tự chủ về tài chính.
Đặc biệt, ngày 19/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về phê duyệt giao quyền tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên và đầu tư của các Bệnh viện: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy và K. Khi 4 bệnh viện này thực hiện tự chủ toàn diện, sẽ có 11.506 người làm việc không hưởng lương từ NSNN với số tiền hơn 1.136 tỷ đồng.
Ở địa phương, nhân lực y tế ở các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh cũng đã được thực hiện đồng bộ với việc thực hiện tự chủ kinh phí chi thường xuyên ở các địa phương. Ước tính hiện nay, có khoảng 70 đơn vị (chiếm 3,43% số đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh) với khoảng 35.000 biên chế không phải chi lương từ NSNN mà đã đưa vào giá dịch vụ, giảm chi NSNN khoảng 2.520 tỷ đồng/năm. Tính đến ngày 27/9/2018, việc thực hiện tự chủ kinh phí chi thường xuyên và tự chủ nhân lực y tế ở 51 tỉnh, thành phố trong cả nước đã giúp giảm chi NSNN khoảng 14.682 tỷ đồng.
Cần một hành lang pháp lý đầy đủ
Theo ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), việc cho phép các đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động tự quyết định số lượng người làm việc và vị trí việc làm đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động tuyển dụng được nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh chất lượng cao. Các đơn vị đã tổ chức sắp xếp lại nhân sự, bố trí công việc một cách khoa học, từng bước bảo đảm phân công đúng người, đúng việc, đúng sở trường, phát huy được tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ y tế. Nhờ đó, chất lượng dịch vụ, vai trò, uy tín của đơn vị được nâng cao.
Kết quả kiểm toán của KTNN tại Bộ Y tế những năm gần đây cũng ghi nhận, khi thực hiện cơ chế tự chủ, nhiều bệnh viện đã chủ động tiếp cận các nguồn vốn giúp giảm tải gánh nặng cho NSNN đầu tư vào lĩnh vực y tế; kết hợp công - tư trong giảm tải cho một số bệnh viện; thực hiện liên doanh, liên kết trang thiết bị, hợp tác để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tăng số lượng và chất lượng dịch vụ... Bên cạnh đó, việc chuyển cơ chế “phí” sang giá dịch vụ, đặc biệt là việc tính lương vào giá dịch vụ y tế đã thúc đẩy nâng cao và cải thiện rõ rệt chất lượng dịch vụ. Tự chủ bệnh viện cũng giúp các đơn vị chủ động quản lý chặt chẽ các khoản chi phí...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả kiểm toán cũng như bản thân ngành y tế cũng nhìn nhận rõ những bất cập, mặt trái của cơ chế tự chủ. Đặc biệt, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về tự chủ chưa được ban hành một cách đồng bộ, cụ thể khiến việc triển khai tại các bệnh viện phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để thực hiện cơ chế tự chủ hiệu quả, phải xây dựng được một hành lang pháp lý đầy đủ, gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính, nhân lực của bệnh viện. Việc giao quyền tự chủ phải gắn với khả năng tự chủ tài chính của bệnh viện; đồng thời phải đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý năng động, có năng lực quản lý.
Đặc biệt, việc xây dựng, ban hành cơ chế giá dịch vụ phải gắn với đánh giá chất lượng bệnh viện. Hiện, Bộ Y tế đang trong quá trình hoàn thiện để ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Thông tư quy định nguyên tắc tính giá được tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý để tái đầu tư. Dự kiến Thông tư sẽ ban hành và thực hiện từ tháng 10/2019.
Trong năm 2019, KTNN cũng thực hiện kiểm toán Chuyên đề thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viên công lập giai đoạn 2016-2018. Từ kết quả kiểm toán, KTNN sẽ có những đề xuất, kiến nghị cụ thể với Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách để khuyến khích và đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ sở y tế công lập.
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 01-8-2019