Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp

(BKTO) - Nguồn vốn được ví như “mạch máu” của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên bài toán về tiếp cận nguồn vốn vẫn luôn là một thách thức lớn thường trực của các DN, đòi hỏi cần có những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía để khơi thông.

11.jpg
Các DN luôn có nhu cầu lớn về nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa

Theo kết quả Cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, Thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, kết thúc quý I/2025, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống giảm nhẹ từ 0,08 - 0,1 điểm phần trăm so với quý trước. Các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống tiếp tục giảm nhẹ 0,03 - 0,08 điểm phần trăm trong quý II/2025 và cả năm 2025.

Doanh nghiệp vẫn “khát” vốn

Trong những tháng đầu năm 2025, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhiều ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động trên diện rộng để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Cùng với đó, nhiều gói tín dụng ưu đãi cũng được các ngân hàng tung ra nhằm kích cầu tín dụng.

Tuy nhiên, câu chuyện tiếp cận vốn của các DN vẫn luôn hiện hữu nhiều khó khăn khác nhau. Đơn cử, theo kết quả cuộc khảo sát về lãi suất cho vay ngân hàng của hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam mới công bố, các DN đánh giá mức lãi suất vay hiện tại có sự khác biệt lớn giữa các ngân hàng và loại hình vay. Cụ thể, về lãi suất vay ngắn hạn, các DN cho biết lãi suất cho vay dao động từ 4% đến hơn 9,5%/năm, trong đó mức phổ biến rơi vào khoảng 6 - 8,5%/năm. Đáng chú ý, một số DN phản ánh đang phải chịu lãi suất tới 11%/năm, vượt xa mặt bằng chung hiện tại. Lãi suất vay trung và dài hạn dao động từ 5 - 11%/năm, phần lớn DN đang vay ở mức 6 - 8%/năm. Trả lời khảo sát, không ít DN của Hội cho biết hiện tại không vay được vốn hoặc vẫn đang phải chịu lãi suất cao dù có các gói tín dụng ưu đãi được công bố. Tương tự, một khảo sát của Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh gần đây cũng cho thấy, có đến gần 40% DN trên địa bàn Thành phố rơi vào tình trạng thiếu vốn kinh doanh do không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng…

Thực trạng khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng của các DN được ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - cho biết nguyên nhân chính chủ yếu là liên quan đến yêu cầu về tài sản thế chấp quá cao. Theo đó, các ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay DN lớn vì họ có tài sản bảo đảm và dòng tiền mạnh. Trong khi đó, đối với các DN nhỏ và vừa, do quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, nên đa số DN không có tài sản thế chấp đủ điều kiện vay vốn hoặc có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp; tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, chỉ khoảng 50 - 60%. Cùng với đó, về nội tại, rào cản khiến DN khó tiếp cận vốn là do dự án của DN có tính khả thi thấp, báo cáo tài chính thiếu tin cậy, DN thường chưa lập kế hoạch kinh doanh và dự báo tài chính trong trung hạn từ 3 - 4 năm…

Bên cạnh những yếu tố xuất phát từ phía DN, theo ông Thân, các yếu tố khách quan như tình hình kinh tế biến động và sự thận trọng của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh rủi ro gia tăng cũng khiến việc tiếp cận tín dụng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, việc các ngân hàng ngày càng chú trọng đến quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế là cần thiết nhưng đôi khi lại tạo ra những “vòng kim cô” đối với các DN, đặc biệt là những DN mới thành lập hoặc có quy mô nhỏ.

Cần đa dạng, linh hoạt các hình thức cho vay vốn

Theo các chuyên gia, cộng đồng DN có vai trò là chủ thể đảm đương “sứ mệnh” thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế, do đó việc tháo gỡ “nút thắt” về nguồn vốn - được coi như “mạch máu” của DN, sẽ khơi thông nguồn lực của DN cũng như giúp DN có thêm động lực để đầu tư vào đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Đưa ra khuyến nghị để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Khiết - Tổng Giám đốc Hãng Kiểm toán và Định giá ASCO - cho rằng, để giải tỏa vướng mắc lớn nhất liên quan đến tài sản thế chấp, các ngân hàng nên thiết kế các sản phẩm tài chính chuyên biệt như khoản vay tín chấp dựa trên dòng tiền kinh doanh, khoản vay theo hợp đồng đầu ra hoặc khoản vay dựa trên tài sản hình thành từ vốn vay. Đồng thời, cần mở rộng mô hình đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu giao dịch thực tế của DN thay vì chỉ tập trung vào tài sản đảm bảo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN có thể tiếp cận được nguồn vốn. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần cải tiến quy trình thẩm định tín dụng theo hướng đơn giản, minh bạch và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Theo đó, các ngân hàng có thể áp dụng mô hình thẩm định tín dụng theo rủi ro, kết hợp đánh giá tín nhiệm DN bằng các tiêu chí linh hoạt, giảm bớt yêu cầu giấy tờ không cần thiết và tự động hóa một số bước xét duyệt để rút ngắn thời gian duyệt vay, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng.

Chia sẻ thêm khuyến nghị, ông Trần Anh Quý - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện cho DN, bao gồm không chỉ các ngân hàng thương mại mà còn có các tổ chức tài chính vi mô, các quỹ đầu tư và các hình thức tài chính khác. Do đó, ông Quý kiến nghị Bộ Tài chính cần chỉ đạo Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa tăng cường cho vay trực tiếp, tạo thêm kênh vốn cho DN. Đồng thời, rà soát, đánh giá Nghị định 34/2018/NĐ-CP về quỹ bảo lãnh tín dụng, tháo gỡ vướng mắc, xây dựng cơ chế dự phòng rủi ro để đảm bảo khả năng hoạt động bền vững của các quỹ này. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần quan tâm cấp vốn, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ bảo lãnh DN nhỏ và vừa tại địa phương, đẩy mạnh phối hợp với ngân hàng triển khai chương trình kết nối DN để thúc đẩy cho vay vốn.

Về phía DN, các chuyên gia cho rằng để tăng khả năng tiếp cận vốn, các DN cần nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, xây dựng báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập để tạo niềm tin với ngân hàng. Đồng thời, DN cần xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh khả thi, phương án sử dụng vốn hiệu quả nhằm chứng minh được hiệu quả kinh doanh và khả năng trả nợ, để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay./.

Cùng chuyên mục
  • Tỉnh Trà Vinh: Quyết liệt thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025
    3 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Các Sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư phải đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tránh xảy ra lãng phí, tiêu cực trong công tác này.
  • Thái Nguyên mời gọi, thu hút đầu tư vào trung tâm dữ liệu
    3 ngày trước Địa phương
    (BKTO) - Trong cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành về việc mời gọi, thu hút đầu tư vào trung tâm dữ liệu sáng 09/4, ông Nguyễn Huy Dũng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Muốn tạo lợi thế trong cạnh tranh, Thái Nguyên phải có trung tâm dữ liệu. Nếu Thái Nguyên có trung tâm dữ liệu thì đây sẽ là địa phương thứ 2 ở miền Bắc, sau Thủ đô Hà Nội có trung tâm này.
  • Mục tiêu đầy thách thức
    3 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Tăng trưởng GDP quý I/2025 đạt 6,93%, mức cao nhất trong 5 năm qua, mở ra kỳ vọng cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 8% trở lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế nhiều bất ổn và nội tại nền kinh tế còn không ít điểm nghẽn, để có thể thực hiện được mục tiêu này, theo các chuyên gia, Việt Nam phải đột phá về thể chế, cải cách thực chất và thúc đẩy các động lực tăng trưởng…
  • Làm gì để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030?
    3 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Doanh nghiệp (DN) được xem là “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam. Từ hơn 940.000 DN hiện tại, mục tiêu đạt 2 triệu DN vào năm 2030 là một chặng đường đầy tham vọng nhưng cũng không ít chông gai. Liệu Việt Nam có thể vượt qua?
  • Không che giấu, bỏ sót các dự án có sai phạm
    3 ngày trước Kinh tế
    (BKTO) - Thủ tướng yêu cầu đối với nhóm các dự án có sai phạm trong quá trình triển khai khó thu hồi cần nghiên cứu giải pháp tháo gỡ xuất phát từ tình hình thực tế hiện trạng, không che giấu, bỏ sót, vụ lợi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp; có thời hạn khắc phục khó khăn vướng mắc.
Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp