
Kỳ vọng bứt phá nhưng còn không ít lực cản
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, vượt xa kịch bản do Hội nghị Trung ương 10 đề ra (6,2-6,6%) và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sức bật của nền kinh tế sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và những biến động toàn cầu. Kết quả này góp phần đưa Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 8% trở lên, theo tính toán của Bộ Tài chính, tăng trưởng 9 tháng còn lại phải đạt bình quân khoảng 8,3%. Cụ thể, quý II cần đạt 8,2%, quý III và IV lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2 điểm phần trăm so với kịch bản được xây dựng trước đó.
Có thể nói, đây là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực. Thế giới đang trải qua một giai đoạn bất ổn địa chính trị kéo dài khiến chuỗi cung ứng gián đoạn, dòng vốn đầu tư suy giảm và thương mại toàn cầu chững lại. Đặc biệt, tuyên bố của Hoa Kỳ về việc áp thuế 46% với một số mặt hàng từ Việt Nam có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu - vốn là 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro. Áp lực lạm phát, tỷ giá, chi phí đầu vào tăng cao đang khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động. Thể chế pháp luật còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, khiến môi trường đầu tư - kinh doanh bị ảnh hưởng, làm chậm quá trình hồi phục và bứt phá. Đời sống của một bộ phận người dân, người lao động, đặc biệt ở khu vực sản xuất dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Đổi mới thể chế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững không thể thiếu vai trò dẫn dắt của khu vực kinh tế tư nhân. Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, gần 60% tổng đầu tư xã hội, khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu và tạo ra 80% việc làm cho nền kinh tế. Thế nhưng, hệ thống pháp luật dành cho khu vực này lại thiếu rõ ràng, không ổn định, nhiều tầng nấc, thiên về quản lý chứ chưa tạo động lực cho sáng tạo và phát triển. Pháp luật hiện nay vẫn nặng về kiểm soát, chưa tạo hành lang tự do kinh doanh thực sự. Phải chuyển nhanh từ tư duy không quản được thì cấm sang tạo cơ hội, hỗ trợ phát triển - ông Cung nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, cần có ít nhất 6 nhóm giải pháp đột phá cho kinh tế tư nhân: cải cách thể chế, phát triển thị trường vốn, rút ngắn khoảng cách ưu đãi giữa doanh nghiệp tư nhân và FDI, hỗ trợ kết nối thị trường toàn cầu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo không gian chính sách thử nghiệm (sandbox) cho mô hình kinh doanh mới.
Bên cạnh việc làm mới động lực truyền thống như đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới - bao gồm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó, Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất đẩy nhanh triển khai các chương trình lớn như: phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, hình thành các khu kinh tế tự do, trung tâm tài chính quốc tế và thử nghiệm mô hình kinh doanh công nghệ cao tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - dẫn ví dụ về dự án đường dây 500KV mạch 3 được triển khai “thần tốc” trong thời gian kỷ lục để chứng minh rằng “không gì là không thể nếu có quyết tâm và sự chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống dưới”. “Sau 40 năm đổi mới, chúng ta chưa từng tăng trưởng 2 con số. Mức cao nhất là 9,54% năm 1995, rồi giảm dần. Nếu Việt Nam tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là thể chế thì cả guồng máy kinh tế có thể được khơi thông” - ông Thiên kỳ vọng.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, vẫn giữ mốc 8% trở lên, đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bám sát các nhiệm vụ trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu này. Thủ tướng cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Trung ương; ứng phó với chính sách thuế từ các nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; giữ ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy đầu tư công; bảo đảm an sinh xã hội; xử lý tồn đọng và phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, để đạt mục tiêu tăng trưởng trong quý II là 8,2%, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo cần tăng ít nhất 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất điện, khí đốt cần tăng 11,5%; ngành khai khoáng cần phục hồi mạnh. Ngoài ra, đầu tư công phải được giải ngân mạnh mẽ, nhất là tại các dự án hạ tầng quy mô lớn. Khu vực dịch vụ và du lịch, với nhiều tín hiệu phục hồi cũng cần được thúc đẩy hơn nữa.
Giải pháp từ phía Bộ, ngành cùng những đề xuất của các chuyên gia đặt ra yêu cầu: Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững trong bối cảnh còn nhiều lực cản đòi hỏi Việt Nam phải thực sự thay đổi cách tiếp cận - từ bị động sang chủ động, từ “quản lý” sang “kiến tạo”, từ “xin - cho” sang “bình đẳng và minh bạch”. Cùng với đó, cải cách thể chế, công nghệ, đào tạo nhân lực, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh sẽ là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế vượt qua thách thức, hướng tới một chu kỳ tăng trưởng mới./.