Khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương

(BKTO) - Thực hiện vai trò cơ quan dân cử, Hội đồng nhân dân (HĐND) các địa phương đã đồng hành cùng UBND khắc phục những khó khăn, hạn chế, tháo gỡ những điểm nghẽn, bất cập trong hoạt động điều hành, quản lý, quyết định các vấn đề quan trọng; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

250320240811-tc1.jpg
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024. Ảnh: VPQH

Quyết định các vấn đề quan trọng, cấp thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Tham luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, năm 2023, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động; phát huy rõ nét vai trò và thẩm quyền thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng, cấp thiết ở địa phương.

HĐND tỉnh đã tổ chức 4 kỳ họp, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy thành 68 nghị quyết là các giải pháp, cơ chế, chính sách thiết thực, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh. Điển hình như: Quyết nghị các chính sách hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp sau đại dịch Covid; quyết nghị các cơ chế, giải pháp đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; quyết định hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội.

250320240927-xuan-ky.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký tham luận tại Hội nghị. Ảnh: VPQH

HĐND tỉnh Quảng Ninh đã quyết nghị ban hành Quy định chuẩn nghèo, cận nghèo đa chiều gấp 1,4 lần chuẩn nghèo quốc gia áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp theo tiêu chí của giai đoạn 2021-2025 (trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới); 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao - ông Nguyễn Xuân Ký dẫn chứng.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã quyết nghị các cơ chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công theo hướng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý tài chính - ngân sách; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên…

Cùng đề cập đến vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến chia sẻ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 224 nghị quyết, thể chế hóa chỉ đạo và chính sách mới của Trung ương, chính sách đặc thù của tỉnh, các vấn đề phát sinh trong điều hành của chính quyền, có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

“Các nghị quyết được ban hành kịp thời cụ thể hóa các chính sách mới theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, phù hợp tình hình thực tế của địa phương; đồng thời ban hành đồng bộ các chính sách đặc thù trên các lĩnh vực, nhất là 4 trụ cột phát triển của tỉnh nhằm thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - ông Trần Văn Huyến thông tin.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành cũng khẳng định, trong bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2023 đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, 88 nghị quyết quan trọng được HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành đã giúp khơi thông, giải phóng các nguồn lực và tạo động lực mới cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, HĐND tổ chức đánh giá toàn diện thực trạng, tình hình thi hành pháp luật, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nổi cộm thông qua hoạt động giám sát, kịp thời đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để đồng hành cùng UBND tỉnh khắc phục khó khăn, tháo gỡ những điểm nghẽn, bất cập trong hoạt động điều hành, quản lý, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

250320240943-lam-thi-thanh-huong.jpg

Các nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm của tỉnh cũng như quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phát triển của từng ngành, lĩnh vực đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh được ban hành sát với tình hình thực tiễn, phản ảnh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội...

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành

Giám sát đúng, trúng, tạo chuyển biến trong thực thi pháp luật

Cùng với khẳng định vai trò trong ban hành nhiều quyết sách quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua, HĐND còn phát huy hiệu quả chức năng giám sát, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

250320241157-pham-van-thang.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Thắng tham luận tại Hội nghị. Ảnh: VPQH

Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, vai trò này của HĐND được thể hiện qua giám sát dân chủ, công khai, minh bạch thông tin tại các Kỳ họp HĐND tỉnh, đổi mới tích cực hoạt động giám sát bằng hình thức chất vấn và xem xét trả lời chất vấn, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên giải trình năm 2023.

Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh được đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, nhất là đã phân định rõ trách nhiệm, tăng cường giám sát chuyên đề đối với các vấn đề nóng, cấp thiết được dư luận quan tâm. Hình thức giám sát đa dạng phù hợp với từng nội dung giám sát; phạm vi các cuộc giám sát được mở rộng, giám sát đến xã, phường, thị trấn.

“Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã có những tác động tích cực tới việc bảo đảm thực thi pháp luật, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, đã tạo dựng được niềm tin của nhân dân ngày càng cao” - ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Thắng cũng cho biết, hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND được đổi mới, sáng tạo theo hướng quyết liệt, thực chất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Nội dung giám sát, chất vấn, giải trình được lựa chọn “đúng và trúng”, quan trọng, thiết thực, phù hợp thực tiễn của từng địa phương.

Đặc biệt, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của HĐND có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về hướng dẫn hoạt động giám sát của của HĐND, đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của HĐND; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Qua công tác giám sát, các kết luận, kiến nghị sát, đúng trên nhiều lĩnh vực đã được ban hành để kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế. 

Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến nhấn mạnh, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Hậu Giang luôn gắn với công tác khảo sát ở cơ sở, đối tượng thụ hưởng để nắm bắt đầy đủ thông tin, kết quả thực hiện. Từ đó, các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát có tính thuyết phục cao, đúng, trúng vấn đề được các đơn vị chịu sự giám sát nghiêm túc tiếp thu, kịp thời khắc phục, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc được chỉ ra./.

Cùng chuyên mục
Khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương