Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm nay?
Qua các số liệu thống kê, đặc biệt là số liệu của tháng 7 cho thấy, khó khăn ở một số ngành, một số lĩnh vực có dấu hiệu được giảm bớt. Ví dụ như chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm đã có sự phục hồi, như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; khai thác quặng kim loại... và một số chỉ số kinh tế khác.
Tuy nhiên, khó khăn chung thì vẫn còn rất lớn, như chỉ số xuất khẩu, nhập khẩu. Mặt khác, khó khăn cũng không đồng đều, ví dụ một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước (đường kính tăng 32,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 15,9%, xăng dầu tăng 13,2%...), song ở chiều ngược lại, một số sản phẩm lại giảm so với cùng kỳ năm trước như: Ô tô giảm 19,6%, điện thoại di động giảm 19,3%, thép thanh, thép gốc giảm 16,7%...
Đánh giá chung thì tình hình kinh tế 7 tháng so với cùng kỳ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhưng so với các tháng trước thì khó khăn ở một số ngành, lĩnh vực có dấu hiệu được giảm bớt. Bên cạnh đó, thách thức vẫn còn rất lớn vì tình hình kinh tế chính trị và khó khăn của nền kinh tế thế giới vẫn rất khó dự đoán. Chỉ số về DN gia nhập thị trường vẫn chưa vượt qua được tháng trước và cũng không cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường. Điều đó cho thấy khó khăn vẫn hiện hữu và vẫn là một thách thức rất lớn với DN.
Ông có thể đưa ra dự báo về kịch bản phục hồi, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm?
Về kịch bản tăng trưởng, nhiều chuyên gia dự đoán ở mức khoảng 5,7%.
Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, chúng ta rất khó nói vì có rất nhiều biến số trong câu chuyện kỳ vọng kết quả tăng trưởng là bao nhiêu. Tôi cho rằng, dự báo về phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng tới phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là những vướng mắc về pháp lý đang làm ảnh hưởng, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Và tất nhiên, kịch bản tăng trưởng cũng phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những vấn đề mà ông cho rằng cần phải tập trung thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới?
Trước hết, tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn cần coi chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đặt ra là “đích” đến, để phấn đấu và quyết tâm cố gắng ở mức cao nhất có thể.
Về giải pháp, việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn là vấn đề cốt lõi, song cần quan tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của DN. Rất mừng là vấn đề này đã được Chính phủ nhận diện, đưa ra các giải pháp rất mạnh mẽ và cũng rất phù hợp trong thời gian gần đây.
Trong lúc này không nên có thêm những quy định làm tăng thêm khó khăn cho DN.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Đặc biệt, Chính phủ đã kịp thời đưa ra giải pháp về chuyển hướng điều hành chính sách vĩ mô; trong đó, chuyển hướng về điều hành chính sách tiền tệ sang trạng thái nới lỏng, linh hoạt và hỗ trợ vốn thiết thực cho DN phục hồi. Việc điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng, linh hoạt lần này cho thấy chúng ta đã chủ động hơn, quyết đoán hơn trong việc đưa ra quyết định của mình.
Thứ hai là, Chính phủ đã đưa ra một loạt các giải pháp rất mạnh mẽ về cải cách thể chế, tháo gỡ những rào cản, khó khăn cho DN như: Công điện số 644/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và DN; Nghị quyết số 105/NĐ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Tôi đánh giá rất cao các quyết sách này, trong đó nhấn mạnh đến việc kiên quyết cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí tài chính; giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của DN.
Tôi rất tâm đắc vấn đề là không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính mà còn cắt giảm các chi phí phát sinh từ các quy định. Chẳng hạn như về phòng cháy, chữa cháy thì thủ tục xin cấp phép phòng cháy, chữa cháy là thủ tục hành chính nhưng chi phí mà DN phải bỏ ra để đầu tư tuân thủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy là rất lớn. Vì thế, những giải pháp mạnh mẽ về cải cách thể chế lần này sẽ là “liều thuốc” tinh thần đáp ứng đúng mong đợi và kỳ vọng của DN. Việc giảm chi phí tuân thủ trong bối cảnh hiện nay cũng là biện pháp hỗ trợ khó khăn trực tiếp, hiệu quả cho DN.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng. Tổ công tác được giao rất nhiều nhiệm vụ thiết thực trong việc thúc đẩy thực thi nhanh, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN mà Thủ tướng đã đề ra.
Vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là việc thực thi hiệu quả các giải pháp đã đề ra sẽ là yếu tố quyết định. Nếu chúng ta thực thi đầy đủ, thực thi nhanh và có hiệu quả sẽ góp phần rất lớn trong việc chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN phục hồi. Ngược lại, nếu thực thi không tốt thì những giải pháp đặt ra sẽ không có ý nghĩa, không tác động đến việc giảm bớt khó khăn và rõ ràng sẽ ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu tăng trưởng.
Vì vậy, tôi hy vọng các Bộ, ngành sẽ thực thi quyết liệt các giải pháp được giao, đặc biệt tôi nhấn mạnh một lần nữa là trong lúc này, không nên có thêm những quy định làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi cũng kỳ vọng rất lớn vào Tổ công tác của Thủ tướng để giúp các giải pháp đã có được thực thi nghiêm, thực thi nhanh, đầy đủ và có hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!