Tại Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - nhận định: Trên bình diện quốc tế, năm 2022 là một năm khá đặc biệt khi toàn bộ dự báo về kinh tế vĩ mô tại thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022 gần như đảo lộn.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, các ngân hàng trung ương có xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ. Năm 2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã 7 lần tăng lãi suất, với mức tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua. Biến động vĩ mô toàn cầu đã tác động đến nền kinh tế thế giới.
Dự báo, năm 2023, lạm phát, lãi suất của các nước trên thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Những biến động vĩ mô toàn cầu sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Dù mức độ tác động không dữ dội như năm 2022 nhưng nó sẽ dai dẳng.
Trong nước, quan ngại nhất là lạm phát cơ bản (lạm phát lõi). Lạm phát cơ bản tháng 01/2022 so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,66%. Tuy nhiên, chỉ số này đã tăng nhanh, lên 4,52% vào tháng 11/2022. Dự báo, lạm phát cơ bản tháng 12/2022 ở mức trên 5%.
Lạm phát cơ bản năm 2022 tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tạo sức ép lạm phát năm 2023. Do vậy, chính sách tiền tệ năm 2023 phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống. Đây là mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Theo ông Phạm Chí Quang, công tác điều hành tín dụng, lãi suất, tỷ giá năm 2023 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, áp lực lạm phát nhập khẩu, áp lực mặt bằng giá có khả năng sẽ rất lớn.
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ được tính toán một cách thận trọng, nhưng không cứng nhắc. NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng hỗ trợ cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. Lấy kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Phân tích sâu hơn, ông Phạm Chí Quang chỉ rõ: Nếu nhìn vào cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam, có thể thấy, Việt Nam được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) luôn cảnh báo về độ rủi ro an toàn hoạt động ngân hàng thông qua chỉ tiêu dư nợ tín dụng/GDP.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP ở mức cao theo báo cáo của WB, hiện tỷ lệ này là 124%.
Với tăng trưởng GDP 6% trong khi tăng trưởng tín dụng trên 12%, tốc độ tăng trưởng tín dụng gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này tiềm ẩn rủi ro, tác động đến an toàn hệ thống trong bối cảnh năng lực tài chính của các ngân hàng Việt Nam chưa thực sự đáp ứng chuẩn quốc tế.
NHNN luôn quan tâm hỗ trợ kinh tế nhưng đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, đảm bảo không phát sinh nợ xấu khó kiểm soát.
Tương tự, năm 2023, việc điều hành lãi suất sẽ tiếp tục gặp thách thức bởi chúng ta khó có thể giảm mặt bằng lãi suất, đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Tuy nhiên, NHNN cố gắng duy trì ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Điều hành tỷ giá cũng không thể chủ quan khi đồng USD và lạm phát kinh tế Mỹ được dự báo sẽ còn biến động./.