Sáng ngày 06/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia phát tin cơn bão YINXING gần biển Đông với cường độ cấp 13, giật cấp 16; sáng ngày 08/11, bão YINXING đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc biển Đông và trở thành cơn bão số 7 năm 2024.
Hồi 13h00 ngày 08/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, sức gió cấp 14, giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ 15km/h. Dự báo: Hồi 13h/09/11, sức gió cấp 13-14, giật cấp 17 trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Đông Bắc. Dự kiến bão đổ bộ đất liền khu vực miền Trung vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/11.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 11h/08/11/2024, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.704 phương tiện/312.506 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 87 tàu/582 người (Nghệ An 24 tàu, Quảng Nam 01 tàu, Quảng Ngãi 47 tàu, Bình Định 15 tàu) hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, tính đến 13h ngày 08/11/2024, trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Bình Thuận có 909 tàu, trong đó có 441 tàu biển và 498 phương tiện thủy nội địa.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, tính đến 11h/08/11/2024, tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận là 151.855ha; 192.153 lồng bè; 3.003 chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó cơn bão số 7. Thứ trưởng chỉ ra các vấn đề để không thể chủ quan với cơn bão này.
Trước hết, về vấn đề hồ chứa, hiện nhiều hồ ở khu vực này đã đầy, nhiều hồ đang xả tràn.
Thứ hai, khu vực miền núi ở vùng này 10 ngày qua có mưa lớn đất đã ngậm no nước nên rất dễ xảy ra sạt lở.
Thứ trưởng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố chủ động theo dõi, cập nhật thông tin dự báo và tình hình bão, mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tập trung kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển và tại nơi neo đậu, tránh trú; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.